Cơ quan điều tra vào cuộc
Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đang cùng các cơ quan chức năng khác làm rõ nghi vấn “bôi trơn” 2,8 triệu USD tại dự án khu đô thị Sing-Việt (Bình Chánh, TP.HCM) theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.HCM.
Tình tiết trên được nêu trong bản án phúc thẩm số 221/2013/HC-PT của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM và sau đó được Pháp Luật TP.HCM phản ánh. Theo đó, trong phiên tòa hành chính nói trên, phía nguyên đơn cho rằng để triển khai dự án “2,8 triệu USD đã được gửi cho các cơ quan ở Hà Nội”.
Theo nguồn tin nói trên, lãnh đạo TP yêu cầu làm rõ các thông tin báo chí đề cập và báo cáo đề xuất UBND TP.HCM xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm (nếu có) đối với những việc thuộc thẩm quyền TP.HCM nhằm tạo môi trường đầu tư lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài tại TP.
Trước đó, trong các ngày 24 đến 29-3, Pháp Luật TP.HCM có loạt bài phản ánh “Nghi vấn 2,8 triệu USD “bôi trơn” ở dự án Sing-Việt, huyện Bình Chánh, TP.HCM”. Trong quá trình báo phản ánh, Ban Nội chính trung ương vào cuộc cử một tổ công tác vào TP.HCM để nắm thông tin, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ các thông tin nghi vấn trên.
Chưa xong khu tái định cư, chưa hoàn tất bồi thường
Ngày hôm qua (8-4), tại trụ sở UBND TP.HCM đã diễn ra cuộc họp do lãnh đạo TP chủ trì với chủ đầu tư dự án Sing-Việt và các sở, ban, ngành nhằm tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng của dự án.
Được biết, dù được quy hoạch từ 17 năm trước, dự án Sing-Việt cho đến nay vẫn chỉ là… mô hình.
Dự án có diện tích hơn 331,15 ha, có chủ trương quy hoạch từ năm 1997. Đến năm 2007, UBND TP đã ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất để giao cho Công ty Liên doanh Đô thị Sing-Việt, bao gồm các công ty Singapore cùng với Công ty CP Xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư.
Dự án có 571 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 246 hộ dân có nhà bị giải tỏa trắng, 297 hộ có đất nông nghiệp thuần, còn lại là đất rừng phòng hộ, đất xen kẽ trong khu dân cư. Theo dự án liên doanh này sẽ đầu tư xây dựng khu liên hợp thể thao và khu liên hợp du lịch, thương mại và khu căn hộ để ở. Vốn đầu tư lên đến hơn 300 triệu USD.
Năm 2009, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện đã triển khai công tác bồi thường nhưng tiến độ rất chậm, hầu hết chỉ bồi thường cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi (307 hộ), trong đó có 62 hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, còn khiếu nại. Những trường hợp bị thu hồi đất thì mới bồi thường được 55/364 hộ.
Dự toán kinh phí bồi thường cho dự án này là 1.093 tỉ đồng. Tuy nhiên, huyện Bình Chánh mới chi trả hơn 570 tỉ đồng. UBND huyện cũng đã bàn giao hơn 211 ha trong tổng số 331 ha đất cho chủ đầu tư. Do việc bàn giao vẫn còn “da beo” nên chủ đầu tư chưa tiến hành san lấp, đầu tư hạ tầng.
Ngoài ra, theo quy hoạch được duyệt, chủ đầu tư phải triển khai thực hiện dự án khu tái định cư (TĐC) có diện tích 63 ha, nằm giáp ranh khu đất xây dựng khu đô thị Sing-Việt để bố trí TĐC cho các hộ dân có nhà ở, đất ở và kể cả những hộ dân đất nông nghiệp có nhu cầu mua nền đất trong khu TĐC. Thế nhưng sau khi các đoàn giám sát của HĐND TP lên tiếng và UBND TP hối thúc, đến nay chủ đầu tư mới hoàn chỉnh thủ tục pháp lý cho khu TĐC này. Không chỉ bồi thường ỳ ạch, khu TĐC cho dự án cũng bị chủ đầu tư “neo” trên giấy nhiều năm liền khiến người dân bức xúc khiếu kiện và chính quyền địa phương cũng khó khăn trong việc vận động người dân giao đất, di đời.
TRUNG DUNG - NGUYỄN ĐỨC - ÁI NHÂN