UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi Thủ tướng về việc bố trí ngân sách đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của Công ty TNHH một thành viên Đường sắt đô thị số 1 (viết tắt là công ty vận hành metro 1). Đây là công ty vận hành khai thác các tuyến metro ở TP.HCM.
Không có kinh phí trả tiền điện, nước, lương nhân viên
Đại diện công ty vận hành metro 1 cho biết công ty được thành lập năm 2015, đi vào hoạt động từ năm 2019. Từ khi thành lập, công ty chỉ được cấp 14 tỉ đồng. Cho đến nay, công ty đã không còn đủ nguồn tạm ứng từ vốn điều lệ ban đầu để duy trì hoạt động.
“Hiện các khó khăn, vướng mắc của công ty đã được UBND TP.HCM tổng hợp và gửi kiến nghị lên Thủ tướng” - đại diện công ty trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Cụ thể, văn bản UBND TP kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng nêu rõ: “Đến nay, công ty đã không còn đủ nguồn tạm ứng từ vốn điều lệ ban đầu để duy trì hoạt động. Do đó, công ty sẽ không có kinh phí để trả lương, đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp... cho người lao động. Ngoài ra, công ty cũng không còn đủ nguồn tạm ứng để trả các chi phí điện, nước, viễn thông... cho văn phòng”.
Văn bản cũng cho hay hiện công ty chỉ còn khoảng 15 người, bao gồm cả nhân viên và các lãnh đạo. Còn 58 lái tàu đang được đào tạo nhưng phải tạm ngưng công tác do chờ ký kết phụ lục hợp đồng số 19 (hợp đồng tư vấn chung) của dự án.
Dự án metro số 1 hiện đạt gần 89%, dự kiến vận hành, khai thác thương mại vào năm 2023. Ảnh: ĐÀO TRANG
Với vốn điều lệ là 14 tỉ đồng được cấp từ khi thành lập, công ty sử dụng để mua sắm trang thiết bị văn phòng. Còn kinh phí hoạt động của công ty vẫn chưa được cấp ngân sách theo đề án thành lập công ty đã được Thủ tướng phê duyệt.
Mặt khác, do tiến độ xây dựng và đưa vào khai thác tuyến metro 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chậm so với dự kiến ban đầu nên tháng 4-2019 (khoảng bốn năm sau khi thành lập), nhân sự giám đốc công ty mới được bổ nhiệm. Sau khi bổ nhiệm, giám đốc công ty thu xếp các điều kiện để công ty đi vào hoạt động từ tháng 7-2019.
Đồng thời, cũng do tiến độ xây dựng, đưa vào khai thác tuyến metro 1 bị chậm so với dự kiến nên đến nay công ty vận hành metro số 1 cũng chưa có nguồn thu.
Kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ
Theo UBND TP.HCM, tại biên bản thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, nhà tài trợ dự án), đề án thành lập, tờ trình UBND TP được Thủ tướng chấp thuận đều ghi nhận nội dung trong giai đoạn chuẩn bị cho vận hành tuyến metro 1, công ty vận hành metro số 1 không có doanh thu. Công ty chỉ được bố trí ngân sách để đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ.
Vì vậy, để đáp ứng đủ nguồn lực cho công ty vận hành metro số 1 duy trì hoạt động, đáp ứng yêu cầu theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ, cũng như đáp ứng việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ dự án metro 1, UBND TP.HCM kiến nghị hai vấn đề.
Thứ nhất, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP được sử dụng ngân sách TP để bố trí kinh phí, đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của công ty vận hành metro số 1 trong giai đoạn chuẩn bị vận hành khai thác thương mại tuyến metro số 1.
Thứ hai, trường hợp được Thủ tướng chấp thuận, TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT có ý kiến hướng dẫn việc bố trí ngân sách, phương thức chi đối với nội dung nêu trên.
Theo văn bản mới nhất của Văn phòng Chính phủ, văn phòng đã nhận được văn bản của UBND TP.HCM về việc bố trí ngân sách đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của công ty vận hành metro số 1.
Theo quy định tại quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định 138/2016, Văn phòng Chính phủ đã chuyển văn bản nêu trên đến Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT để xem xét, xử lý theo quy định. Trường hợp vượt thẩm quyền, các bộ này cần đề xuất báo cáo Thủ tướng theo quy định.•
Kiến nghị bố trí tạm kinh phí cho công ty vận hành metro 1 Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR): Ngày 13-1, đơn vị này đã kiến nghị Sở Tài chính báo cáo Thường trực UBND TP.HCM xem xét, bố trí tạm thời kinh phí để giải quyết cấp bách nguồn kinh phí hoạt động cho công ty vận hành metro số 1. Ngày 25-1, Sở Tài chính TP đã kiến nghị UBND TP chủ trì cuộc họp với các sở, ngành báo cáo về giải pháp, hướng xử lý cụ thể đề xuất trên. Sau đó ngay thời điểm trước tết Nguyên đán, TP.HCM đã chỉ đạo cho công ty tạm mượn 2 tỉ đồng để trả lương và chăm lo tết cho nhân viên. Về tiến độ của metro số 1, MAUR cho biết hiện dự án đạt gần 89 % tổng khối lượng. |