Cử tri Đà Nẵng đề nghị phải tỉnh táo, lắng nghe dân

Tại đây, những vấn đề xung quanh Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật đặc khu) là chủ đề chính làm nóng hội trường.

Các cử tri đều cho rằng việc cho nước ngoài thuê đất với thời gian dài làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh quốc phòng của đất nước.

Cử tri Phạm Thị Xuân bày tỏ Quốc hội cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của nhân dân

Cử tri Phạm Ngọc Trường (phường Hòa Khánh Nam) thì nhận định Vân Đồn, Vân Phong đều là những vị trí tiền tiêu của đất nước, là phên giậu của tổ quốc cho nên phải hết sức thận trọng.  

“Thôi thì ý Đảng lòng dân, với tâm huyết của một công dân tôi chỉ mong Quốc hội hãy lắng nghe ý kiến của dân để có quyết định đúng đắn nhất, đừng để con cháu sau này oán trách chúng ta” – ông Trường nói trong xúc động.

Tương tự, cử tri Nguyễn Thanh Trượng (phường Hòa Hiệp Bắc) cho hay: Tôi theo dõi Quốc hội thì thấy ông Dũng (Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng – PV) nói Luật đặc khu không có chữ nào về Trung Quốc. Rồi ông Trần Hồng Hà nói không có luật nào bán đất cho người nước ngoài. Nhưng các vị có biết ở Đà Nẵng ta thôi, có bao nhiêu người Trung Quốc đã và đang núp bóng người Việt để mua đất hay không? Ta đã có cách gì để ngăn chặn điều này chưa?

Cử tri Phạm Thị Xuân thì bày tỏ: “Dân chúng tôi sẵn sàng tin vào Đảng, tin vào chính quyền và những người lãnh đạo của đất nước. Thế nên vừa rồi ở nhiều nơi diễn ra các cuộc tụ tập nhưng ở TP Đà Nẵng ta rất ít người tham gia. Tôi thấy đó là điều rất mừng vì người dân không bị các đối tượng xấu lợi dụng. Tuy nhiên, tôi đề nghị chính quyền cần phải tỉnh táo để lắng nghe dân chứ tình trạng vừa rồi xảy ra cũng là do sự phẫn nộ quá lớn của nhân dân”.

Ý kiến của bà con là chính đáng!

Tiếp thu và giải trình ý kiến của cử tri, ông Nguyễn Bá Sơn (Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho biết các vấn đề xung quanh về Luật đặc khu, Quốc hội đã tranh cãi rất gay gắt và cuối cùng kết luận chính quyền ở đặc khu là chính quyền địa phương. “Có nghĩa là trong đặc khu chúng ta có UBND và HĐND đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của HĐND tỉnh, thành phố. Ngoài ra còn có một số điều khoản cho phép Chính phủ được can thiệp trực tiếp vào đó. Tôi nói thế để bà con dễ hình dung và an tâm” – ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Bá Sơn cho biết những băn khoăn, trăn trở của cử tri về Luật đặc khu là hoàn toàn chính đáng 

Theo ông Sơn, đây là lần thứ hai Quốc hội thảo luận về Luật đặc khu. Sau khi lắng nghe ý kiến của cử tri, các vị học thức trong và ngoài nước, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội cho phép rút dự thảo này để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện. Trong đó phải làm rõ một số nội dung như việc lựa chọn 3 địa điểm của đặc khu có thuận lợi và khó khăn gì, có đạt mục tiêu được không, thời hạn 99 năm có phù hợp không, rồi vấn đề quản lý lao động nước ngoài sẽ phải giải quyết ra sao…

Ông Sơn  cảm ơn và cho rằng những băn khoăn, trăn trở của cử tri về Luật đặc khu là hoàn toàn chính đáng, thể hiện lòng yêu nước của người Việt. 

“Sẽ phải thiết kế luật như thế nào để chúng ta thực hiện được các điều kiện đảm bảo an ninh quốc phòng như ý kiến của bà con cử tri nêu. Nhân dân rất lo về ông bạn hàng xóm nóng lạnh như thế nào.... Ý kiến của dân như thế là chính đáng. Đó chính là lòng yêu nước. Sắp tới chúng ta phải giải quyết ở trong dự luật này xem chúng ta quy định khả năng bảo vệ an ninh quốc phòng đến đâu, có đảm bảo được hay không…” – ông Sơn chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm