Cử tri TP Thủ Đức nêu ý kiến về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

(PLO)- Cử tri TP Thủ Đức nêu nhiều ý kiến về vấn đề đăng kiểm, dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi), quy chuẩn về PCCC và cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-5, đơn vị số 1, đoàn ĐBQH TP.HCM khóa XV đã tiếp xúc cử tri TP Thủ Đức trước Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.

Đơn vị số 1 gồm Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM.

Tổ đại biểu đơn vị 1 tiếp xúc cử tri TP Thủ Đức

Tổ đại biểu đơn vị 1 tiếp xúc cử tri TP Thủ Đức. Ảnh: THANH TUYỀN

Nêu ý kiến về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), cử tri Trần Thành Trọng (phường Thảo Điền) cho rằng cần bổ sung những quy định đặc thù cho ngành y tế, giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế.

Theo cử tri, càng kéo dài tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư thì người dân là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Về quy chuẩn trong PCCC, cử tri Trọng nói doanh nghiệp đã nhiều lần phản ánh nên các bộ, ngành liên quan cần nghiêm túc xem lại quy định để gỡ vướng cho doanh nghiệp.

“Các bộ nói quy chuẩn mới là phù hợp nhưng tại sao doanh nghiệp liên tục phản ánh và kêu khó như vậy. Các vướng mắc khiến doanh nghiệp còn e ngại, không mở cửa hoạt động làm đình trệ sản xuất” - cử tri nói và cho rằng việc này chậm ngày nào thì kinh tế - xã hội TP càng trì trệ.

Cử tri Trần Thành Trọng, phường Thảo Điền nêu một loạt ý kiến về nhiều lĩnh vực với ĐBQH

Cử tri Trần Thành Trọng, phường Thảo Điền nêu một loạt ý kiến về nhiều lĩnh vực với ĐBQH. Ảnh: THANH TUYỀN

Cạnh đó, cử tri Trọng cũng cho rằng cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm tình trạng tại các trung tâm đăng kiểm bởi việc này cũng ảnh hưởng đến kinh tế.

Cử tri cho rằng cần xem lại gói hỗ trợ 2% lãi suất mà Chính phủ ban hành để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp vì chưa hiệu quả. “Cần điều chỉnh để người cho vay, người đi vay đều thụ hưởng được chính sách này, đừng để người dân và doanh nghiệp đang khó lại càng khó, có chính sách mà đối tượng được hưởng lại không thể thụ hưởng” - cử tri Trọng nói.

Một vấn đề khác được cử tri đề đạt là cần sớm có quy định, hàng rào pháp lý để bảo vệ cán bộ có động cơ trong sáng, dám nghĩ dám làm. Theo cử tri Trần Việt Trung, tình trạng cán bộ nhát tay, thụ động trong việc tham mưu, giải quyết việc khiến công việc của người dân bị “ùn ứ” theo.

Cử tri Trung cũng quan tâm đến vấn đề các trung tâm đăng kiểm và đặt câu hỏi về lỗ hỏng trong nhân sự, giám đốc trung tâm nhưng không đủ trình độ chuyên môn tại một số trung tâm.

Về vấn đề quá tải tại các bãi xe xử lý vi phạm mà báo chí phản ánh trong thời gian qua, cử tri đề nghị xem xét lại các quy định liên quan để tránh lãng phí tài sản của người dân, trong khi cơ quan chức năng thì quả tải không gian lưu giữ tang vật vi phạm.

Cử tri TP Thủ Đức nêu ý kiến về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ảnh 3

Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân ghi nhận các ý kiến phản ánh của cử tri. Ảnh: THANH TUYỀN

Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân cho rằng các ý kiến của cử tri nêu ra là xác đáng và sẽ có đề đạt tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

Chiều cùng ngày, đoàn ĐBQH TP.HCM, Liên đoàn lao động TP.HCM đã tiếp xúc cử tri là công nhân lao động tại TP Thủ Đức.

Các ý kiến của cử tri tập trung các vấn đề về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Cử tri Trần Văn Hùng, Công ty Cổ phần Cơ khí Tân Thanh, có ý kiến về chính sách ưu đãi cho công nhân, nhất là công nhân ngoài tỉnh được mua nhà ở xã hội, nhà dành cho người có thu nhập thấp.

Cử tri cũng đề nghị bổ sung đối tượng được hưởng chính sách là người lao động đang làm việc tại các hộ kinh doanh cá thể, vì tại Điều 88 trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ quy định công nhân lao động làm việc tại doanh nghiệp.

Cử tri Phạm Văn Có nêu ý kiến về phương án thực hiện chi trả BHXH một lần, giảm thời gian 12 tháng giải quyết chế độ hưởng Bảo hiểm xã hội 1 lần.

Theo đó, Điều 77 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có đưa ra 2 phương án là cho rút 1 lần và phương án rút tối đa không quá 50% tiền BHXH một lần nếu chưa về hưu. Cử tri Có cho rằng nên xem xét lại nội dung này trước khi ban hành Luật.

Cử tri Nguyễn Thị Linh Thảo đề đạt thêm sau đợt dịch COVID-19 cùng với những biến động về kinh tế, công nhân gặp rất nhiều khó khăn, có người lao động mất việc làm. Họ chọn rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt.

Với phương án mà dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là rút tối đa không quá 50%, cử tri Thảo thắc mắc 50% còn lại đến khi nào người lao động sẽ được nhận và người lao động nhận được quyền lợi gì khi BHXH giữ lại 50% đó hay không.

Các cử tri cũng nêu ý kiến về quyền sở hữu, xác định giá bán nhà ở chung cư cho công nhân lao động, bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, thay vì theo quy định là “công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp”.

“Thực tế còn rất nhiều công nhân lao động đang làm việc bên ngoài Khu công nghiệp quan tâm và mong muốn được hỗ trợ chính sách về nhà ở” - cử tri Đinh Thư Ngân Tuyền đề đạt.

Ghi nhận ý kiến của cử tri, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân nói sẽ gửi nguyện vọng cử tri đến diễn đàn Quốc hội trong kỳ họp tới nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho công nhân, người lao động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm