Chiều 6-5, tổ đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị bầu cử số 9 đã tiếp xúc cử tri quận 7 trước kỳ họp thứ năm của Quốc hội, khóa XV.
Đơn vị bầu cử số 9 gồm Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Thiếu tướng Dương Văn Thăng, Phó Chánh án TAND tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương. Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ TP.HCM Nguyễn Trần Phượng Trân vắng mặt.
Đơn vị bầu cử số 9 tiếp xúc với cử tri quận 7. Ảnh: THANH TUYỀN |
Góp ý về Luật đất đai, cử tri Hồ Thị Dung cho rằng, việc bỏ quy định khung giá đất của Luật đất đai năm 2013 thay thế bằng bảng giá đất được xây dựng và cập nhật hàng năm sẽ giúp bảng giá đất của các tỉnh, thành bám sát giá thị trường, hạn chế việc kê khai chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên hợp đồng thấp hơn giá thị trường quá nhiều như hiện nay.
Dù vậy, cử tri Dung nói hạn chế của việc này là sẽ làm gia tăng khối lượng công việc cho các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, đặc biệt là Sở TN&MT, Sở Tài chính, Cục thuế khi phải tiến hành rà soát, cập nhật, công khai biến động bảng giá đất hàng năm trên từng khu vực.
Ngoài ra, cử tri cũng cho rằng quá trình xây dựng chính quyền điện tử, số hóa hoạt động của bộ máy hành chính vẫn chưa được hoàn thiện, cơ sở dữ liệu giá đất đầu vào chưa đầy đủ, tính chính xác chưa cao cho từng thửa đất.
“Vì vậy, việc cập nhật, công bố thông tin bảng giá đất hàng năm có đảm bảo tính chính xác, minh bạch, kịp thời và công bằng giữa các địa phương hay không, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân” - cử tri Dung nói.
Cử tri đề xuất cần nhanh chóng xây dựng, hoàn tất bản đồ địa chính số, cơ sở dữ liệu đất đai và giá đất. Từ đó xây dựng bảng giá đất hoàn thiện nhất có thể tại các địa phương, ưu tiên cho các địa phương đang là điểm nóng về đất đai để đảm bảo nhà nước không bị thất thoát thuế, giảm việc làm giá gây sốt đất ảo thiệt hại đến người dân.
Cùng đó, khi dự thảo được thông qua, phải đảm bảo cán bộ địa chính nắm bắt đúng tinh thần và quy định của việc xây dựng bảng giá đất theo Luật đất đai sửa đổi, tránh tình trạng mỗi địa phương xây dựng bảng giá đất không phù hợp với thị trường và pháp luật, gây khó khăn, thiệt hại cho người dân trong việc thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trả lời ý kiến của cử tri. Ảnh: THANH TUYỀN |
Ghi nhận ý kiến của cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM đã điều chỉnh hệ số giá đất.
"Việc này lúc đầu cũng gặp ý kiến trái chiều từ phía một số chuyên gia và các địa phương khác. Nhưng Nghị quyết của Đảng nói rõ giá phải tiệm cận giá thị trường. Thực tế, tại TP giá cao nhất chỉ bằng 20% giá thị trường nên rất khó khăn trong việc thu hồi, bồi thường để người dân, tổ chức đang sử dụng đất đó chấp nhận" - ông Mãi lý giải và cho biết, sự bất cập này dẫn đến việc hơn 70% các khiếu kiện ở TP.HCM là liên quan tới đất đai, lý do cơ bản là do giá bồi thường không sát.
Chủ tịch UBND TP thông tin thêm, việc điều chỉnh hệ số giá đất đã được Ban thường vụ Thành ủy đã xem xét kĩ. Đến thời điểm này, khi triển khai trong thực tế thì cơ bản nhận được sự chấp nhận, ủng hộ của người dân.
"Cũng nhờ bảng giá mới này mà khi áp vào thực hiện bồi thường dự án Vành đai 3 đã rất thuận lợi" - ông Mãi cho hay.
TP cũng đang tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu từ bản đồ số, đất đai, về giá để đồng bộ lên hệ thống.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: "TP sẽ xây dựng dữ liệu đất đai, tiến tới việc thực hiện các giao dịch về nhà đất thông qua sàn để kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp".
Hồi tháng 3, UBND TP.HCM ban hành quy định về hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn TP.HCM năm 2023. Quyết định này có hiệu lực từ 18-3.
Tùy từng quận, huyện, UBND TP ban hành hệ số điều chỉnh khác nhau, từ 3-25 lần so với giá nhà nước. Trong đó, huyện Hóc Môn có hệ số cao nhất, từ 10-25 lần và TP Thủ Đức là 6-25 lần.
Tiếp theo là huyện Bình Chánh, hệ số từ 6-22 lần; huyện Nhà Bè từ 10-21 lần, huyện Củ Chi từ 13-20 lần. Các địa phương còn lại có hệ số điều chỉnh dao động từ 3-18.
Đất ở được chia theo bốn vị trí. Vị trí 1 là tiếp giáp mặt tiền đường trong bảng giá đất.
Vị trí 2 tiếp giáp hẻm rộng 5 m trở lên, được tính bằng 0,5 của vị trí 1. Vị trí 3 tiếp giáp hẻm rộng 3 - 5 m, được tính bằng 0,8 của vị trí 2. Vị trí 4 áp dụng các khu đất còn lại, được tính bằng 0,8 của vị trí 3.
Đối với đất thương mại, dịch vụ (thuộc nhóm đất phi nông nghiệp không phải là đất ở) được tính bằng 80% giá đất ở liền kề. Các loại đất khác như đất công cộng có mục đích kinh doanh, đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, đất nghĩa trang, y tế, giáo dục, tôn giáo bằng 60% giá đất ở liền kề.
Với đất nông nghiệp, TP.HCM điều chỉnh hệ số cao 5-38 lần so với giá nhà nước. Huyện Bình Chánh có hệ số cao nhất với khung 15-38 so với giá nhà nước.
Các quận nội thành có hệ số điều chỉnh tối đa ở mức 35 là quận 1,3,4,5,6,7,10,11, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp.
Hệ số này chỉ có ý nghĩa để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân, không phải là hệ số điều chỉnh giá đất được xây dựng từ giá đất cụ thể để tính bồi thường của loại đất thu hồi tại thời điểm thu hồi đất.