Đó là ý kiến của cử tri Phạm Trường Tọa (phường 6, quận Bình Thạnh) nêu ra tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIV đơn vị 6, gồm ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, ĐB Tạ Khánh Phong Lan, sau kỳ họp thứ năm QH khóa XIV.
Buổi tiếp xúc diễn ra tại Nhà thiếu nhi quận Bình Thạnh sáng 19-6.
Cử tri Phạm Trường Tọa (phường 6) cho rằng phải làm rõ người đi phản đối vì lý do gì, nếu họ nghe người khác xúi giục thì chỉ rõ người nào đằng sau để mà xử lý. Ảnh: NGUYỄN VÂN
Tại buổi tiếp xúc này, nhiều cử tri khác cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng người dân tụ tập gây rối trật tự công cộng diễn ra ở một số tỉnh, thành trong thời gian qua.
Dân bị kẻ xấu tuyên truyền, xúi giục
Cử tri Vương Đắc Vân (phường 5) cho biết rất băn khoăn trước chuyện nhiều người tụ tập đốt phá tài sản nhà nước, chống người thi hành công vụ vì bức xúc đến dự luật đặc khu.
“Người dân Việt Nam ai cũng đều yêu nước, không muốn đất nước bị xâm chiếm” - ông Vân nói và cho rằng, sự việc xảy ra như thời gian qua là kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước mà tuyên truyền, xúi giục, kích động.
Cử tri Lương Bùi Vỹ (phường 25) bày tỏ bức xúc khi nhiều ngày qua các nơi xảy ra tình trạng tập trung đông người gây mất trật tự. “Chúng ta cần có trừng trị thích đáng, kiên quyết với những kẻ cầm đầu trong vụ việc này… Vì lần này quy mô của các tổ chức này rộng nhất từ trước đến nay” .
Ông nói thêm: “Ở Bình Thuận, việc bạo động, đốt phá cơ quan công quyền, đốt phá trụ sở PCCC… là hành vi rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến an ninh chính trị mà còn gây thiệt hại nặng nề về kinh tế”.
Cử tri Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, nêu nhiều ý kiến tâm huyết tại buổi tiếp xúc Ảnh: NGUYỄN VÂN
Nên cho người dân đóng góp vào luật đặc khu
Cử tri Phạm Công Hùng, luật sư, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, cũng đề nghị cần kiên quyết có biện pháp đối với phần tử chống đối, lợi dụng người dân chưa hiểu biết để kích động. Với những người giả danh công an tấn công nhân dân và đổ thừa cho lực lượng chức năng thì khi xử lý phải công khai để dân biết.
Cử tri trao đổi với các ĐBQH sau khi buổi tiếp xúc kết thúc. Ảnh: LÊ THOA
“Luật đặc khu là mối quan tâm rất lớn. Đáp lại yêu cầu nhân dân, QH đã hoãn lại việc thông qua. Vì vậy tôi đề nghị QH cần lấy ý kiến nhân dân tham gia vào dự luật rồi QH lắng nghe thì quyết sách mới phù hợp lòng dân. Nếu đúng thì dân đồng tình, cái nào dân góp ý thì QH lắng nghe. Tôi hiểu người dân rất lo chủ quyền đất nước mình bị xúc phạm, tiếc gì mà không dành riêng một chương về an ninh quốc phòng trong đặc khu để dân tin, hiểu và yên lòng…”.
Ông Hùng cũng đề nghị QH tạo điều kiện cho cơ quan đại diện của nhân dân ở địa phương là HĐND được tham gia vào dự án luật. Vì ở đây các đại biểu HĐND cơ sở hầu như không nắm được dự thảo luật, khi dân cần hỏi thì không biết đường nào trả lời.