Cử tri ủng hộ chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận người dân sẽ thấy xa lạ với một báo cáo nếu báo cáo đó không phản ánh được tiếng nói của họ, không thấy được đời sống của họ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 7-10, Thường vụ Quốc hội nghe, thảo luận về hai báo cáo của Ban Dân nguyện và của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Đau xót trước sự tàn phá nặng nề của bão số 3

Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết cử tri và nhân dân bày tỏ sự tiếc thương vô hạn về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc tiêu biểu của Đảng và Nhà nước, nhân dân ta.

Cử tri ủng hộ chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà báo cáo tại phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua, cử tri và nhân dân cả nước đau xót trước sự tàn phá nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão gây ra cho 26 tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng, các cơ quan Trung ương đã tập trung chỉ đạo dự báo từ sớm, từ xa, tăng cường cảnh báo và các biện pháp phòng, chống trước bão… và triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp trong và sau bão.

Ngoài ra, cử tri và nhân dân cũng đánh giá rất cao sự đoàn kết và tín nhiệm tuyệt đối của các đại biểu Quốc hội trong bầu chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội; sự tín nhiệm tuyệt đối của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII bầu Chủ tịch nước Tô Lâm giữ chức vụ Tổng Bí thư.

Đồng thời, ghi nhận, đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, thúc đẩy các công trình trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, việc khánh thành đường dây 500 kV mạch 3 là niềm tự hào của đất nước ta.

“Cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ chủ trương của Trung ương Đảng trong việc đầu tư đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam” - bà Hà nhấn mạnh.

Báo cáo phải nói lên được tiếng nói của người dân

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng các báo cáo của Ban Dân nguyện và MTTQ đều liên quan đến cử tri và nhân dân. Điểm đáng chú ý là người dân vui mừng với chính sách tiền lương mới, giá các mặt hàng cũng được bình ổn.

Theo Chủ tịch Quốc hội, báo cáo của Mặt trận có một phần phụ rất hay, rất gần gũi với đời sống của người dân. Tuy vậy, báo cáo chính lại chưa thể hiện rõ được điều này. “Người dân thường chỉ quan tâm đến các vấn đề thiết thực với đời sống của mình. Báo cáo của Mặt trận phải làm sao để thực sự là tiếng nói của nhân dân chứ không phải là tiếng nói của cán bộ. Như vậy người dân sẽ thấy xa lạ” - Chủ tịch Quốc hội nói.

cu-tri-ung-ho-chu-truong-dau-tu-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp vào chiều 7-10. Ảnh: PHẠM THẮNG

Lấy ví dụ phần báo cáo về bão số 3, Chủ tịch Quốc hội nói không cần phải “kể lể diễn tiến cơn bão mà phải báo cáo về những nỗ lực chung”.

Đối với các ý kiến về thiếu thuốc, vật tư y tế mà báo cáo của Ban Dân nguyện nêu, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải có giải pháp đồng bộ thực hiện các luật liên quan đã có hiệu lực và tới đây, việc điều chỉnh chính sách có thể sẽ được thực hiện thông qua việc sửa Luật BHYT.

Nhận định tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn đang tiềm ẩn nhiều biến động khó lường, nhất là trước và trong kỳ họp Quốc hội tới đây, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu bộ, ngành, địa phương cần phải giải quyết thấu tình, đạt lý cho dân, nhất là với những vụ việc kéo dài.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long sau đó cho hay tại kỳ họp thứ bảy, Thủ tướng và Chính phủ nhận được 201 kiến nghị và đã trả lời, giải trình tuyệt đại đa số. Hiện còn 2,6% là các kiến nghị về giải quyết chính sách trong lĩnh vực giáo dục, y tế hay ban hành văn bản pháp luật.

“Báo cáo của Ban Dân nguyện và các góp ý của Thường vụ là có cơ sở. Thủ tướng và Chính phủ sẽ tích cực hơn nữa để trả lời kiến nghị của cử tri” - Phó Thủ tướng nói.

Thiếu thuốc và vaccine

Trước đó, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn có một số hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của một số đối tượng, hiệu quả thực hiện một số chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Chẳng hạn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 98/2023 về việc bố trí ngân sách Trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó đã xác định “bảo đảm có vaccine sớm nhất” là một nhiệm vụ cấp bách. Chính phủ cũng giao Bộ Y tế trong tháng 7-2023 trình ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 104 quy định về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Tuy nhiên, đến ngày 5-2-2024, Nghị định 13 sửa đổi Nghị định 104 mới được ban hành. Đến tháng 6, Bộ Y tế mới ban hành kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024. Việc này là quá chậm để các địa phương có thể triển khai thực hiện. Tại nhiều địa phương, tình trạng thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã diễn ra từ cuối năm 2022 và tới tháng 9 này vẫn trong tình trạng thiếu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm