Đây là một sự bất hợp lý mà có lẽ ít ai ngờ tới trong việc áp dụng pháp luật liên quan đến vụ cưa gỗ khô bị quy tội trộm cắp tài sản ở Kon Tum.
Tuần qua dư luận lại chú ý đến vụ án bởi chính Cục Kiểm lâm đã có công văn khẳng định không có sự phân biệt trong việc xử lý hành chính cũng như hình sự đối với hành vi cưa cây gỗ trắc đã chết khô hay còn tươi sống.
Ngay sau đó Pháp Luật TP.HCM cũng có bài viết chứng minh trong hai vụ án khác nhau mà TAND huyện Đắk Hà (Kon Tum) từng xử các đối tượng vào rừng đặc dụng Đắk Uy cưa cây gỗ trắc tươi trị giá trên 150 triệu đồng với tội hủy hoại rừng. Nhưng trong vụ cưa gỗ trắc chết khô này thì tòa án huyện này lại vận dụng tội danh khác để xử lý.
Cần nhắc lại trong vụ này, tháng 4-2016 năm người đã vào rừng đặc dụng Đắk Uy cưa cây gỗ trắc chết khô với khối lượng 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng. Thay vì xử lý hành chính thì họ bị TAND huyện Đắk Hà kết án về tội trộm cắp. Tháng 6-2018, sau khi được TAND tỉnh Kon Tum tuyên năm người không phạm tội trộm cắp tài sản thì TAND Tối cao đã ký kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Đắk Hà.
Vấn đề đặt ra là tại sao cùng một hành vi vào rừng đặc dụng Đắk Uy cưa cây gỗ trắc (thuộc nhóm IIA) nhưng khi cưa cây gỗ trắc chết khô thì TAND huyện Đắk Hà xử tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS 1999 (có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân). Còn hành vi cưa cây gỗ trắc tươi thì TAND huyện Đắk Hà lại xử ở tội nhẹ hơn là tội hủy hoại rừng theo Điều 189 BLHS 1999 (mức án cao nhất là 15 năm tù)?
Đối với tội trộm cắp tài sản, chỉ cần khúc gỗ mà các đối tượng khai thác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng theo công văn năm 2011 của TAND Tối cao từng gửi cho UBND tỉnh này thì không hề có sự phân biệt giữa cây gỗ trắc chết khô hay còn tươi sống. Trong công văn TAND Tối cao chỉ ra rằng nếu các đối tượng vào rừng trên cưa gỗ trắc nếu giá trị 50-100 triệu đồng thì có thể bị xử lý ở tội hủy hoại rừng.
Nhà nước đang ra sức bảo vệ và phát triển rừng bằng nhiều biện pháp, thậm chí rừng đặc dụng Đắk Uy còn được xây tường bao quanh để bảo vệ. Thế nhưng với thực tiễn xét xử ở địa phương này thì có thể hiểu rằng việc áp dụng pháp luật của TAND huyện Đắk Hà có tính bất nhất, coi trọng việc bảo vệ cây gỗ chết khô hơn cây gỗ còn tươi sống.
Cần phải khẳng định rằng hành vi của năm công dân là sai nhưng chưa đủ định lượng để xử lý ở bất cứ tội danh nào của BLHS mà chỉ có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 157/2013NĐ-CP. Vậy lý do gì mà nay TAND Tối cao lại thay đổi quan điểm yêu cầu phải xử lý năm công dân trên ở tội trộm cắp tài sản? Dư luận có quyền nghi ngờ rằng TAND Tối cao kháng nghị theo hướng buộc tội đến cùng là tránh để TAND huyện Đắk Hà phải bồi thường oan. Nếu đúng như vậy thì vai trò của các cơ quan giám sát trong đó có Ủy ban Tư pháp Quốc hội là vô cùng quan trọng.
Trong vụ án này TAND Tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng yêu cầu xử giám đốc thẩm công nhận bản án sơ thẩm đã kết tội họ. Như vậy năm công dân đang gặp bất lợi nhưng điều lạ lùng ở chỗ cho tới thời điểm này họ vẫn chưa nhận được quyết định kháng nghị mà chỉ biết thông tin qua báo chí. Họ đang phải lặn lội ra tận Đà Nẵng, Hà Nội để cầu cứu các cơ quan.
Theo Điều 389 BLTTHS 2015, Hội đồng giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng có quyền không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án phúc thẩm. Nhưng nếu chấp nhận kháng nghị thì cũng có nghĩa rằng tòa này thừa nhận điều bất hợp lý trong xác định tội danh như đã phân tích ở trên.
Vì thế, các luật sư đang bảo vệ cho năm công dân cần có văn bản gửi TAND Cấp cao tại Đà Nẵng yêu cầu được tham gia phiên tòa xét xử giám đốc thẩm tới đây theo Điều 383 BLTTHS 2015. Đây là việc cần thiết để đảm bảo quyền lợi tốt nhất quyền được bảo vệ của công dân.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa