Cuộc chiến xuyên thế kỷ SGK về tranh chấp biển đảo

Mới đây, các cuộc bình luận xung quanh vấn đề sách giáo khoa (SGK) và quan hệ quốc tế lại bắt đầu nóng trở lại. Thực tế, câu chuyện mượn SGK để đấu tranh trên lĩnh vực chính trị vẫn âm ỉ suốt nhiều năm qua và nổi lên như một tâm điểm tại khu vực biển, đảo đang có sự tranh chấp tại châu Á, điển hình trong mối quan hệ Trung - Nhật, Hàn Quốc - Nhật… Việc chính trị hóa SGK vốn dĩ mang đến những động lực dân tộc mạnh mẽ nhưng cũng kéo theo không ít rắc rối trên diễn đàn quốc tế.

Cùng một lịch sử nhưng viết sách khác nhau

Từ cuối những năm 1910, nội dung các SGK được sử dụng và giảng dạy trên cả nước tại Trung Quốc (TQ) đều tập trung vào mối quan hệ song phương giữa hai nước Nhật - Trung. Thời điểm ấy, Nhật Bản nhấn mạnh vai trò của mình như một cường quốc văn minh, hiện đại và tìm cách gây ảnh hưởng đến TQ.

Các vấn đề về lịch sử quan hệ song phương, đa phương của Nhật Bản, TQ trong SGK dường như không có sự nhất quán khi Trung - Nhật xây dựng nội dung sách theo ý chí của dân tộc mình. Thế kỷ 20 khơi màu của thời đại thế giới phẳng, khi thông tin trong SGK có thể đến và thay đổi nhận thức của nhiều thế hệ trên toàn thế giới, điều đó khiến căng thẳng chính trị song phương Trung - Nhật cũng vì thế leo thang.

Cụ thể năm 1914, trước những bộ SGK “khích lệ lòng dân” từ ý đồ chính trị của TQ, Nhật Bản đã lên tiếng chỉ trích tài liệu giảng dạy tại TQ có những nội dung mang tính phản động, chống Nhật. Để trả đũa, Nhật Bản dò xét cụ thể các SGK của TQ và gửi các phát hiện của mình tới Hội đồng Lytton (được thành lập bởi Hội Quốc Liên, để điều tra các thông tin về vấn đề SGK và chính trị). Phía TQ cũng phản pháo lại rằng trong các SGK của Nhật cũng tràn ngập các nội dung không tốt, khinh miệt TQ. Tại phiên họp của Hội Quốc Liên, cả hai nước Nhật - Trung cũng tranh luận gay gắt nhưng mọi thứ lùm xùm xung quanh các quyển SGK có yếu tố nhạy cảm vẫn chưa được giải quyết.

 
Suh Kyung-duk, giáo sư tại ĐH dành cho phụ nữ Sungshin (Seoul), đang cầm một cuốn sách và tờ quảng bá cho chủ quyền của Hàn Quốc trên quần đảo Dokdo/Takeshima, nơi đang có tranh chấp với Nhật Bản. Ảnh: YONHAPNEWS

TQ vẫn tiếp tục đưa nội dung ý thức chủ quyền và lòng căm thù giặc ngoại xâm đối với Nhật Bản vào giáo dục người dân. Sự kiện Mãn Châu bùng nổ năm 1931 được xem là một “thành quả” của chính trị hóa SGK khi người Trung Hoa đồng loạt nổi dậy. Thời gian sau, cuộc chiến tranh 1937 bùng nổ, quân Nhật xóa bỏ hết các phần trong SGK được biên soạn bởi TQ tại các vùng Nhật chiếm đóng và cho in lại các nội dung phản ánh quan điểm dân tộc của Nhật Bản để đưa vào giảng dạy cho chính con em người Trung Hoa.

Sau Thế chiến thứ II, phong trào sử dụng SGK khơi gợi chủ nghĩa dân tộc ngày càng trở nên phổ biến. Đến những năm đầu tiên thế kỷ 21, SGK Nhật Bản tiếp tục tạo ra sóng gió ngoài biên giới Phù Tang khi mô tả sự thất bại của phát xít Nhật trong Thế chiến thứ II thành lịch sử phòng vệ của Nhật trước sự ức hiếp của Mỹ và phương Tây. Nhiều quan điểm về chiến tranh Trung - Nhật cũng không được đồng thuận.

Bộ Ngoại giao TQ ngay lập tức phản ứng, cho rằng những cuốn SGK được Bộ Giáo dục Nhật Bản thông qua đã che đậy tội ác của những người theo chủ nghĩa quân phiệt và tô hồng lịch sử cuộc xâm lược. Còn chính quyền Seoul thì tuyên bố sẽ phục hồi lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm văn hóa Nhật (băng đĩa nhạc, phim…) vào Hàn Quốc. Cho đến nay, những vấn đề thuộc về lịch sử, đặc biệt là chiến tranh vẫn còn chưa tìm được sự đồng thuận từ các bên.

Tranh chấp biển, đảo trên SGK

Những tranh cãi xung quanh các vấn đề về SGK từ những năm 1980 không chỉ liên quan đến các vấn đề về lịch sử song phương mà còn có hơi hướng liên quan đến vấn đề tranh chấp giữa Nhật Bản - TQ và Nhật Bản - Hàn Quốc tại các vùng biển, đảo.

Bộ sách mới về lịch sử và xã hội học dành cho học sinh trung học tại Nhật Bản. Nội dung sách khẳng định chủ quyền Nhật Bản trên quần đảo Dokdo/Takeshima. Ảnh: CHOSUN

Năm 2008, bộ SGK cấp tiểu học phiên bản mới của Nhật đã đề cập đến quần đảo Takeshima/Dokdo như là lãnh thổ có chủ quyền của nước này và đưa ra luận điểm Hàn Quốc đã xâm chiếm một cách bất hợp pháp, bất chấp Hàn Quốc triệu hồi đại sứ Hàn Quốc tại Nhật về nước để phản đối.

Quan hệ hai nước tiếp tục trở nên căng thẳng vào năm 2013, Nhật Bản khẳng định Dokdo (tiếng Nhật gọi là Takeshima) là lãnh thổ cố hữu của Nhật Bản trong SGK cho học sinh cấp ba. Lần này, Hàn Quốc ngay lập tức ăn miếng trả miếng khi ban hành chương trình học thêm về quần đảo Dokdo do Seoul kiểm soát. Chương trình giáo khoa nước này quy định học sinh tiểu học và trung học Hàn Quốc bắt buộc phải học khoảng 10 giờ về quần đảo Dokdo mỗi năm học.

Tình hình trở nên tệ đi hơn bao giờ hết khi mới đây, ngày 4-4-2014, Nhật Bản tiếp tục “cải cách” SGK, khẳng định “Dokdo là lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản”. Thứ trưởng thứ nhất Hàn Quốc Cho Tae Yong đã triệu tập đại sứ Nhật đến Seoul để phản đối, đồng thời đưa ra cảnh báo SGK Nhật sẽ làm mối quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi.

Căng thẳng không kém, lần tái bản SGK 2014 này, Nhật Bản còn khẳng định “không công nhận tồn tại tranh chấp tại quần đảo Senkaku”. SGK Nhật ghi rằng việc tuyên bố chủ quyền của TQ đối với Senkaku là hoàn toàn vô căn cứ. Thậm chí khi phát biểu trên AFP, Bộ trưởng Giáo dục Hakubun Shimomura khẳng định: “Trên quan điểm giáo dục, chắc chắn một quốc gia sẽ dạy cho trẻ em nước mình về những vùng lãnh thổ không thể tách rời”.

Giới quan sát và các học giả của TQ ngay lập tức phản ứng, đưa ra đề xuất TQ phải đưa “sự thật về Điếu Ngư vào SGK”. “Nên đưa vào SGK những bằng chứng được ghi trong văn chương dưới thời nhà Thanh (1644-1911) về việc TQ phát hiện quần đảo Điếu Ngư” - Tân Hoa Xã dẫn lời các chuyên gia.

Sứ mệnh hay tội đồ?

Cho tới nay, cuộc chiến SGK trên cả mặt trận lịch sử lẫn các vấn đề tranh chấp biển, đảo vẫn chưa có hồi kết. Nhiều quan điểm trái chiều xung quanh việc chính trị hóa SGK. Có ý kiến phản bác, cho rằng dụng sách như một lá bài tuyên truyền chính trị chỉ khiến căng thẳng giữa các bên tăng lên.

Tuy nhiên, quan điểm trên ngay lập tức bị nhiều người bác bỏ. Nhiều chuyên gia cho rằng việc khơi gợi lòng yêu nước trong lòng dân thông qua SGK là điều cần thiết. Rõ ràng, nhận thức thay đổi hành động. Có nhận thức đúng về quyền lợi quốc gia dân tộc thì hành động yêu nước mới trở nên thực tế và hữu dụng. Điều quan trọng ở đây chính là tính trung thực của các thông điệp trong SGK.

Có hai khả năng có thể xảy ra:

1. Thông điệp đúng dựa trên lịch sử, pháp luật quốc tế… sẽ làm tăng khả năng phản biện, ý chí, sự đồng thuận chính trị cao trong nhân dân. Điều đó sẽ có lợi cho một quốc gia trong đấu tranh bảo vệ ý chí dân tộc, bảo vệ chủ quyền;

2. Thông điệp đưa ra trong sách với mục tiêu mị dân, bằng các tuyên bố mập mờ, cố tình tạo nên “bất đối xứng thông tin” nhằm phục vụ mục tiêu chính trị phi nghĩa sẽ kéo cả dân tộc đi đến những hành động mang tính leo thang căng thẳng. Khi cả dân tộc nhận thức sai, dẫn đến hành động sai thì cá nhân bộ phận lãnh đạo có khi không thể kiểm soát được hành động của họ trong phạm vi cho phép.

Thông điệp thứ hai này đang được TQ lợi dụng triệt để phục vụ chiến lược độc chiếm biển Đông.

UYÊN LÊ - CAO HÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm