Đến nay, tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn trong bối cảnh nguy cơ về các cuộc đụng độ giữa lực lượng bảo vệ bờ biển và sự va chạm của các máy bay quân sự ngày càng tăng lên tại khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông. Nếu không được kiểm soát tốt, Tokyo và Bắc Kinh có thể rơi vào một cuộc đối đầu quân sự mà hậu quả sẽ vô cùng tai hại.
Kyle Mizokami, nhà bình luận về các vấn đề an ninh, quốc phòng tại châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, đã liệt kê trên trang mạng National Interest 5 loại vũ khí của Tokyo mà Bắc Kinh phải dè chừng nếu chiến tranh giữa hai nước nổ ra:
Tàu ngầm điện diesel lớp Soryu
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản là một số trong các tàu ngầm tấn công phi hạt nhân tiên tiến nhất trên thế giới. Với lượng giãn nước khi lặn 4.100 tấn, tàu ngầm này có thể cơ động với tốc độ khoảng 24km/giờ khi nổi và 37km/giờ khi lặn. 4 hệ thống động cơ đẩy không cần không khí Stirling cho phép tàu ngầm lớp Soryu tồn tại ở dưới nước lâu hơn hầu hết các tàu ngầm điện diesel khác.
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản.
Tàu ngầm này của Nhật được trang bị 6 ống phóng ngư lôi, loại đạn phổ biến có thể dùng là Type 89. Ngoài ra, tàu ngầm lớp Soryu còn được trang bị tên lửa tấn công UGM-84 Harpoon do Mỹ chế tạo. Tàu ngầm của Nhật Bản cũng có thể được trang bị tên lửa hành trình, do đó, khái niệm về các cuộc tấn công phủ đầu, vốn đang được tranh luận trong giới chức chính trị tại Tokyo có thể trở thành hiện thực.
Hiện tại Nhật có 8 tàu ngầm lớp Soryu và đang có kế hoạch chế tạo thêm. Để đối phó với những căng thẳng ngày càng tăng với Trung Quốc và sự hiện đại hóa mạnh mẽ của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), năm 2010, Nhật Bản đã quyết định tăng cường lực lượng hạm đội tàu ngầm của mình từ 16 lên 22 chiếc.
Học thuyết tàu ngầm thời hậu chiến tranh của Nhật Bản tập trung vào việc bảo vệ một loạt các tuyến đường quan trọng mà đối phương có thể xâm nhập vào nước này như: Eo biển Tsugaru, Tsushima, Kanmon và eo biển Soya. Đây là tàn dư của thời kỳ Chiến tranh Lạnh do Nhật Bản lo ngại Liên Xô có thể xâm nhập vào từ các eo biển này. Giờ đây, một kế hoạch trong đó xác định Trung Quốc là trung tâm, đặc biệt là liên quan đến các đảo Ryukyu và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Tokyo có thể sẽ triển khai lực lượng tàu ngầm nhiều hơn ở biển Hoa Đông và biển Nhật Bản.
Hạm đội tàu ngầm của Nhật Bản sẽ khiến Trung Quốc lo ngại vì điểm yếu cố hữu của Bắc Kinh là tác chiến chống ngầm (ASW). Trung Quốc đã không luyện tập chống tàu ngầm trong thời kỳ chiến tranh và do đó, thiếu cả kỹ năng lẫn trang bị. Ngược lại, Nhật Bản đã hoạt động tàu ngầm trong nhiều thập kỷ. Hạm đội tàu ngầm của Nhật Bản được cho là huấn luyện tốt, tương đương với Mỹ.
Máy bay chiến đấu F-15J
Tiếp theo là phi đội máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng phòng không Nhật Bản. Máy bay hai động cơ F-15J là phiên bản Nhật của tiêm kích F-15 Eagle (Mỹ), với sự khác biệt nhỏ là được sản xuất ở trong nước bởi Mitsubishi Heavy Industries.
F-15J được trang bị tên lửa dẫn đường hồng ngoại AAM-5, tương tự như tên lửa Sidewinder của Mỹ. Nó cũng được trang bị bổ sung tên lửa radar dẫn đường tầm trung và một vài tên lửa có radar tìm kiếm mạng chủ động trên thế giới. Với việc trang bị tên lửa radar tìm kiếm mạng chủ động-điều mà Trung Quốc không có- đã làm tăng đáng kể phạm vi và khả năng theo dõi mục tiêu, giúp cho F-15J có lợi thế hơn các đối thủ từ Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu F-15J của Nhật Bản.
Hơn 200 chiếc máy bay F-15J đã được sản xuất. Để duy trì những chiếc máy bay hơn 30 năm tuổi có thể cạnh tranh so với các thế hệ máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc, Nhật Bản mỗi năm đã nâng cấp hàng chục chiếc máy bay F-15J với hệ thống điện tử mới, nhằm tăng cường khả năng tìm kiếm và theo dõi bằng hồng ngoại.
F-15J là loại tiêm kích tiền tiêu của Nhật Bản trong việc đáp trả các lực lượng quân sự nước ngoài. Trong năm 2013, lực lượng phòng không nước này đã thực hiện 567 vụ ngăn chặn máy bay nước ngoài tiếp cận không phận Nhật Bản, một con số kỷ lục. Một phi đội 20 máy bay F-15J đồn trú trên đảo Okinawa với nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Ryukyu sẽ được tăng cường bởi các phi đội khác và việc triển khai một phi đội tới đồn trú tại hòn đảo nhỏ Yonaguni cũng đang được nghiên cứu.
Hai tàu khu trục lớp Atago là những chiến hạm có khả năng chiến đấu tốt nhất của Nhật Bản. Loại tàu khu trục này có thể mang theo 10.000 tấn vũ khí. Nó cũng được trang bị hệ thống radar Aegis do Mỹ thiết kế, giúp tăng cường khả năng phòng không di động và có thể bắn hạ máy bay cũng như tên lửa đạn đạo.
Các tàu khu trục lớp Atago được trang bị 96 tên lửa Mk.41 phóng thẳng đứng, tên lửa không đối đất SM-2, tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3 và tên lửa chống tàu ngầm ASROC. Hệ thống vũ khí chống tàu bao gồm 8 tên lửa chống tàu SSM-1B, một khẩu súng cỡ 5-inch và hai hệ thống vũ khí chiến đấu giáp lá cà Phalanx. Cuối cùng, mỗi chiếc Atago có thể giao chiến với các tàu ngầm khi có 1 trực thăng SH-60 Seahawk và 6 ngư lôi chống tàu ngầm Type 73.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Atago của Nhật.
Lớp Atago là phiên bản nâng cấp của tàu khu trục lớp Kongo và được trang bị thêm 6 ống phóng thẳng đứng và một sàn đáp cùng nhà chứa trực thăng. Cả hai loại tàu khu trục trên đều được trang bị hệ thống radar phòng không Aegis.
Tuy nhiên, không những kế thừa các đặc tính ưu việt về hệ thống điện tử, hỏa lực cực mạnh như trên khu trục hạm lớp Kongo, tàu khu trục lớp Atago còn được bổ sung các hệ thống điện tử tinh vi, biến nó thành loại tàu chiến đẳng cấp nhất trên biển Thái Bình Dương cùng với những tàu Aegis của Hải quân Mỹ. Atago được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis 7 Phase 1, đây là biến thể nâng cấp lần thứ 7 của hệ thống chiến đấu tối tân Aegis.
Tàu khu trục Atago vừa có khả năng phòng thủ chống tên lửa đạn đạo liên lục địa vừa có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, tác chiến chống tàu chiến mặt nước, chiến tranh chống ngầm thậm chí là có thể tấn công mặt đất nếu cần. Có thể nói, Atago là loại tàu chiến đa năng nhất trong biên chế của lực lượng phòng vệ Nhật Bản và cả khu vực châu Á.
Tàu sân bay trực thăng đa năng lớp Izumo
Với lượng giãn nước 27.000 tấn, dài 248m, rộng 38m, tàu sân bay trực thăng lớp Izumo là tàu hải quân lớn nhất được Nhật Bản chế tạo sau chiến tranh. Về mặt chính thức, đây là một "tàu khu trục/hộ tống kiểu sân bay trực thăng”. Tokyo dự kiến chế tạo 2 con tàu loại này và chiếc thứ hai chưa được đặt tên.
Tàu Izumo giống như một phiên bản lớp Hyuga nhỏ hơn, như một tàu sân bay và là loại tàu chiến đa năng. Nó có thể mang theo 14 chiếc trực thăng và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 3/2015. Tàu Izumo có thể đồng thời cất và hạ cánh 5 máy bay trực thăng, có năng lực sửa chữa máy bay trực thăng trên biển và tiếp dầu cho tàu chiến khác.
Với chiều dài sàn đáp đầy đủ và nhà chứa máy bay, mỗi chiếc Izumo có thể phục vụ lên đến 14 máy bay trực thăng. Trang bị máy bay trực thăng SH-60 chống tàu ngầm, mỗi con tàu có thể quét trên một vùng rộng lớn.
Tàu sân bay trực thăng đa năng lớp Izumo.
Chiếc tàu này của Nhật cũng có thể thực hiện vai trò đổ bộ. Năm 2013 trong cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật mang tên “Đột kích bình minh” (Dawn Blitz), tàu lớp Hyuga đã tham gia như một tàu sân bay trên biển cho trực thăng vận tải CH-47 Chinook và trực thăng tấn công AH-64 Apache của lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản. Nói cách khác, tàu Izumo có thể mang theo một tiểu đoàn đủ quân của Lữ đoàn Không quân số 1 hoặc 1 trung đoàn bộ binh của quân đội phương Tây và chuyển họ đến bất kỳ bờ biển nào bằng trực thăng.
Trung Quốc sẽ phải lo ngại về tàu chiến lớp Izumo bởi vì nó hoạt động rất linh hoạt. Khi là vũ khí chống ngầm, nó có thể dò và phát hiện ra các khu vực mà tàu ngầm phía Trung Quốc đang hoạt động. Khi thực hiện chức năng đổ bộ, nó giúp cho quân đội Nhật Bản cơ động tới các hòn đảo xa xôi. Và khi là một tàu sân bay, nó có thể mang theo máy bay ném bom tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ, F-35B tăng cường khả năng phòng thủ trên biển Hoa Đông.
Quân đội Mỹ
Với Hiệp ước Hợp tác và An ninh song phương giữa Tokyo và Washington có nghĩa là Nhật Bản có sự ủng hộ của một lực lượng quân sự mạnh nhất trên thế giới.
Tất nhiên, bất kỳ sự tham gia của Mỹ nào trong cuộc xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ phải có điều kiện. Tokyo sẽ phải là nạn nhân của cuộc tấn công vũ trang và yêu cầu quân đội Mỹ hỗ trợ. Một khi các điều kiện được đáp ứng và hiệp ước được “kích hoạt”, có nghĩa là toàn bộ hệ thống quân sự của Mỹ, từ tàu ngầm tấn công hạt nhân tại Guam đến máy bay ném bom B-2 tại Missouri sẽ đại diện cho Nhật Bản.
Việc Mỹ tham gia vào một cuộc xung đột Trung-Nhật gần như chắc chắn sẽ dẫn đến chiến tranh quy mô lớn. Một cuộc xung đột Mỹ-Trung sẽ khiến cho những căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh bị lu mờ và dẫn đến những hậu quả kinh tế toàn cầu thảm khốc vì liên quan đến hai cường quốc hạt nhân. Nếu tranh chấp lãnh thổ Nhật Bản và Trung Quốc bùng phát và Tokyo hạn chế chi tiêu quốc phòng xuống còn 1% GDP, khả năng Mỹ bị lôi kéo vào một cuộc khủng hoảng khu vực và leo thang thành một cuộc chiến tranh lớn là rất thực tế.