Gần 40 năm trôi qua, nhưng cho đến bây giờ mỗi khi nhắc lại vụ án xảy ra tại số nhà 114 đường Ngô Tùng Châu, quận 1 (TP HCM) vào đêm cuối năm 1978, nhiều người vẫn còn luyến thương cho nghệ sĩ cải lương tài năng, kiều diễm Thanh Nga.
Cái chết của nữ nghệ sĩ xảy ra trong bối cảnh đất nước phải đối phó với thù trong giặc ngoài và những phức tạp về kinh tế, xã hội. Trước đó, tại rạp Lux, trong vở "Tiếng trống Mê Linh" khi Thanh Nga và Thanh Sang (vai Trưng Trắc và Thi Sách), đang diễn say sưa, thì bọn giấu mặt đã tung lựu đạn về phía sân khấu nhưng cả hai nghệ sĩ may mắn thoát chết.
Theo hồ sơ vụ án, lúc 23h30 ngày 26/11/1978, nghệ sĩ Thanh Nga kết thúc vai "Thái hậu Dương Vân Nga" ở rạp Thủ Đô đã được chồng lái xe đưa về. Khi ôtô vào gara, bất ngờ một kẻ lạ mặt bám theo, rút súng ngắn đã lên đạn lao vào bên trong. Cận vệ của nghệ sĩ Thanh Nga vừa mở cửa xe, tên này đạp ngã rồi trườn vào bên trong bắt bé Cúc Cu (tên thật là Phạm Duy Hà Linh, 5 tuổi).
Đôi bên giằng co, Thanh Nga cắn vào tay kẻ cầm súng để cứu con trai nhưng tiếng súng chát chúa vang lên, nữ nghệ sĩ ôm ngực đổ gục xuống băng ghế. Chồng Thanh Nga lao đến ngăn cản thì trúng phát súng thứ 2 của Tân (tên của kẻ cầm súng sau này điều tra được) khiến ông gục xuống.
Sau cái chết của nghệ sĩThanh Nga, nhiều khán giả đau buồn, xót thương cho bóng hồngnổi tiếng tài sắc của sân khẩu cải lương.
Qua 37 năm, đến nay, nhiều nhà chuyên môn vẫn đánh giá vụ án Thanh Nga là một trong những chuyên án lớn nhất thành phố, lớn trên nhiều khía cạnh: tổn thất về sinh mạng con người; cơ quan điều tra phải tung nhiều biện pháp nghiệp vụ, sử dụng nhiều nhân viên; ảnh hưởng lớn rộng trong dư luận quần chúng.
Mọi phương tiện tốt nhất được tập trung cho vụ án (kể cả việc đưa hai chó becgiê đi máy bay từ Hà Nội vào), mỗi bước điều tra đều được tiến hành chặt chẽ, công phu (sàng lọc 3.000 người nước ngoài, kiểm tra hàng nghìn chiếc xe Volkswagen, xác minh nhiều người, di động nhiều địa điểm).
Trong quá trình truy tìm đầu mối của vụ án, các mũi trinh sát an ninh phát hiện một số nhen nhóm chính trị phản động, nhóm nào cũng "rỉ tai" giành công đã hạ sát nghệ sĩ Thanh Nga và chồng là Phạm Duy Lân. Đến khi đối chất với công an, những kẻ cầm đầu mới xuống giọng thú nhận: "Bọn em chỉ tự nhận, nhằm gây thanh thế".
Ở mũi hình sự, các trinh sát cũng phát hiện một băng cướp khét tiếng do Trần Đức Thuận cầm đầu. Trước giải phóng, chúng thường gây ra các vụ cướp táo tợn, nhằm vào các phu nhân quan chức chế độ cũ. Sau vài lần, băng nhóm bị bắt ra Côn Đảo.
Năm 1976, được khoan hồng, những tên đầu sỏ trong băng cướp quay về tiếp tục hoạt động. Băng cướp này đã gây ra 60 vụ cướp của, bắn chết 10 người, bắn bị thương 15 người.
Sau khi trinh sát truy đến xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn bắt Trần Đức Thuận và hàng chục đồng bọn do tình nghi liên quan tới vụ án, một tên lợi hại nhất băng cướp tẩu thoát là Lê Văn Giỏi. Tên cướp này sử dụng súng thành thạo hai tay và rất gan lì.
Sau nhiều ngày truy tầm, trong một cuộc phục kích ở Gò Vấp, trinh sát buộc phải bắn hạ Giỏi, khi hắn cùng một đồng bọn cố tìm đường tẩu thoát và cố ý chống trả. Trinh sát chỉ bắn nhanh hơn Giỏi một tích tắc. Ngoài khẩu súng Giỏi giắt trong người, trong cốp xe Vespa còn có một khẩu colt 45, 2 quả lựu đạn.
Cuộc điều tra thủ phạm chính của vụ án Thanh Nga rất gay go. Có những phát hiện, phần đầu là đốm lửa lóe sáng, phần cuối lại là đống tro lạnh lùng. Trinh sát phải nhiều ngày nằm gai, nếm mật. Trong lúc truy tìm manh mối một vụ án, nhân viên điều tra thường liên tưởng đến những vụ án có tình tiết tương tự đã xảy ra, hầu tìm những lời giải cho bài toán hóc búa trong đầu.
Ban chuyên án đã làm sống dậy vụ án bắt cóc cháu Toro, con nữ nghệ sĩ Kim Cương, xảy ra một năm trước đó, mà công an vẫn đang truy tầm thủ phạm. Trong hàng chục điểm trùng hợp về sự việc, lai lịch Thanh Nga - Kim Cương, nhân viên điều tra thấy cả hai sự kiện đau lòng đều xảy ra vào ngày 26 (cháu Toro bị bắt cóc ngày 26/12/1977) và 2 tên tội phạm của 2 vụ án đều có hình dạng giống nhau, một cao, một thấp, đều trạc tuổi 30.
Nghệ sĩ Thanh Nga trong vở "Tiếng trổng Mê Linh" nổi tiếng một thời.
Trong lúc cơ quan điều tra điên đầu trước hàng loạt ẩn số, thì ngày 6/2/1979, vụ bắt cóc cháu Phương, con bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ, công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy lại xảy ra.
Khi thuyết phục được gia đình nạn nhân cộng tác, màn lưới của công an giăng ra. Cái giá 20 lượng vàng do bọn bắt cóc đưa ra cũng đồng với cái giá mà nữ nghệ sĩ Kim Cương phải chuộc con về. Trong một cuộc phục kích, trinh sát bắn trúng lưng làm trọng thương tên Nguyễn Văn Hóa, phải vào bệnh viện cấp cứu.
Những tên trong băng bắt cóc cháu Phương lần lượt sa lưới, trong đó có Nguyễn Thanh Tân và Nguyễn Văn Đức. Cháu Phương được Tân đưa về cất giấu ở ấp Ngăn Rô, Sóc Trăng, nơi một năm trước cháu Toro cũng bị giam giữ.
Tại cơ quan điều tra, sau khi thừa nhận là thủ phạm của hai vụ bắt cóc tống tiền nói trên, chúng tiếp tục khai nhận, khi đã bắt cóc cháu Toro và thực hiện được yêu sách với nữ nghệ sĩ Kim Cương, bọn Tân và Đức bèn tìm đến con nữ nghệ sĩ Thanh Nga, cháu Cúc Cu. Chúng hiểu, những nghệ sĩ luống tuổi, có duy nhất đứa con, thì tình thương của họ đối với núm ruột như thế nào. Chúng rình rập nhiều lần, nhưng lúc nào nghệ sĩ Thanh Nga cũng giữ con bên mình.
Khát vọng cuồng điên thúc đẩy chúng phải liều lĩnh. Tối 26/11/1978, Tân và Đức chở nhau bằng xe Honda 67, chờ đợi và bám theo chiếc Volkswagen của nghệ sĩ Thanh Nga đến tận nhà. Chúng cố giành giật cháu bé, cha mẹ cháu quyết giữ lấy con. Vừa hốt hoảng vừa bực mình, Tân bắn một phát vào ngực anh Phạm Duy Lân, rồi sau đó, bắn một phát vào người nghệ sĩ Thanh Nga. Hai tên nhanh chóng tẩu thoát.
Đầu đạn thu được tại hiện trường là đạn súng P38, Tân khai đã quăng khẩu súng dưới cầu Bình Lợi. Những thợ lặn giỏi nhất Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy được đưa đến mò tìm khẩu súng. Ngày thứ nhất không có. Ngày thứ hai, chất nổ do lính gác cài dưới cầu trước đây để chống lại hoạt động của các chiến sĩ đặc công phát nổ, hai chiến sĩ chữa cháy hy sinh.
Bản chất của bọn tội phạm chuyên nghiệp ngoan cố, chúng chỉ chịu nhận những gì mà cơ quan điều tra đã biết. Tên Tân cố tình khai láo nơi cất giấu khẩu súng, vì hắn biết đó là vật chứng quan trọng nhất về hành vi của hắn. Cuối cùng, khẩu súng cũng được tìm thấy ở đường cống sát nhà cầu tại nơi cư ngụ của tên Nguyễn Văn Mai, em ruột Tân.
Đầu đạn tại hiện trường và 7 viên còn lại trong khẩu súng đều có cỡ 9mm. Chính khẩu súng này, Nguyễn Thanh Tân cùng đồng bọn đã gây ra 3 vụ bắt cóc tống tiền lớn nhất từ sau ngày giải phóng.
Kết thúc vụ án, Nguyễn Thanh Tân, Nguyễn Văn Đức lính án tử hình. Suốt gần 40 năm qua, để giữ vững bình yên cho thành phố, lực lượng công an đã đổ nhiều công sức, thậm chí cả sinh mạng để đấu tranh với các băng nhóm tội phạm. Vụ án Thanh Nga là một dẫn chứng cho cuộc chiến không kém phần cam go, quyết liệt giữa thời bình của lực lượng công an.
TheoCông An TP HCM