Cựu chủ tịch huyện phủ nhận chỉ đạo cấp dưới làm trái

Chiều 7-11, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại UBND huyện Đông Hòa (Phú Yên) tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo đầu vụ là Nguyễn Tài, cựu chủ tịch UBND huyện Đông Hòa.

Trước đó HĐXX đã lần lượt xét hỏi 15 bị cáo, trong đó có 14 bị cáo là cựu cán bộ thuộc UBND huyện Đông Hòa. Hầu hết các bị cáo đều cho rằng trong quá trình thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, chủ tịch huyện Nguyễn Tài đã chỉ đạo cấp dưới làm nhiều việc trái quy định pháp luật.

Bị cáo Huỳnh Ngọc Sương, cựu phó chủ tịch thường trực UBND huyện Đông Hòa, khai ông Tài đã chỉ đạo ông ký hai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư giai đoạn một dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Đó là Quyết định 806 phê duyệt phương án bồi thường với số tiền 95 tỉ đồng, Quyết định 945 phê duyệt phương án bồi thường chỉ hơn 4,2 tỉ đồng.

Bị cáo Nguyễn Tài cho rằng mình không phạm tội. Ảnh: TẤN LỘC

Theo ông Sương, Quyết định 806 không đúng quy trình thủ tục. Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng dự án, đoàn công tác UBND tỉnh Phú Yên kiểm tra, phát hiện có đến hai quyết định của UBND huyện phê duyệt hai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư nên đã yêu cầu giải trình.

Đoàn công tác yêu cầu phải thu hồi Quyết định 806, thực hiện theo đúng Quyết định 945. Tuy nhiên, ông Tài tổ chức họp, chỉ đạo cấp dưới phải thu hồi Quyết định 945, áp dụng Quyết định 806 để làm căn cứ bồi thường. “Nếu ông Tài không chỉ đạo thu hồi quyết định đúng, áp dụng quyết định sai để làm căn cứ bồi thường thì sẽ không có sai phạm xảy ra” - bị cáo Sương ngậm ngùi.

Hầu hết các bị cáo cho rằng các sai phạm đều do phải làm theo sự chỉ đạo của ông Tài, phần lớn là chỉ đạo miệng. Bị cáo Lê Văn Hoàng, cựu chủ tịch xã Hòa Tâm, khai ông Tài nhiều lần gọi điện thoại chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu phải tiến hành thủ tục tách thửa cho một số trường hợp để bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Dù biết việc tách thửa trong trường hợp này là trái quy định nhưng ông Hoàng vẫn phải làm. “Ông Tài nhiều lần gọi điện thoại la mắng, hăm dọa, đòi cách chức tôi nếu không làm. Do đó bị cáo phải làm theo chỉ đạo” - bị cáo Hoàng nói.

Trong khi đó, ông Tài phủ nhận phần lớn các cáo buộc của VKSND tỉnh cho rằng bị cáo này đã cố ý chỉ đạo nhiều cán bộ cấp dưới làm trái quy định pháp luật. Bị cáo Tài nói không có chuyện gọi điện thoại chỉ đạo cấp dưới làm giúp cho một số trường hợp người dân để được bồi thường, hỗ trợ tái định cư, không phạm tội cố ý làm trái.

Cựu chủ tịch huyện chỉ thừa nhận có một số thiếu sót có tính chất giúp sức cho cấp dưới dẫn đến sai phạm. Bị cáo Tài cho rằng VKS xác định mình là bị cáo đầu vụ là không đúng.

Phiên tòa vẫn đang diễn ra.

Cựu chủ tịch huyện kêu oan

Theo cáo trạng, từ tháng 7-2013 đến tháng 4-2014, trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, các cán bộ huyện Đông Hòa đã cố ý không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, gây thiệt hại hơn 9,2 tỉ đồng.

Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2016, TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt ba bị cáo Nguyễn Tài 12 năm tù; Nguyễn Kích, Huỳnh Ngọc Thắng (cựu giám đốc và phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện) lần lượt 10 năm tù và bốn năm tù. 13 bị cáo còn lại được tòa sơ thẩm cho hưởng án treo.

Sau đó bị cáo Tài kháng cáo kêu oan cho rằng mình không phạm tội. Tháng 10-2016, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng có quyết định kháng nghị phúc thẩm bản án sơ thẩm, đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với 14 bị cáo trong vụ án trên, trong đó có Nguyễn Tài.

Tuy nhiên, đến tháng 12-2016, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng ban hành quyết định rút kháng nghị phúc thẩm trên với lý do sau khi gây án các bị cáo đã khắc phục phần lớn hậu quả.

Tại phiên tòa phúc thẩm năm 2017, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm