Cựu chủ tịch TP Trà Vinh lãnh 10 năm tù

Sau nhiều ngày xét xử, sáng 24-2, TAND tỉnh Trà Vinh đã tuyên án đối với cựu chủ tịch UBND TP Trà Vinh Diệp Văn Thạnh cùng 16 bị cáo khác về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Tòa tuyên phạt bị cáo Thạnh 10 năm tù, Trần Trường Sơn (cựu phó chủ tịch UBND TP Trà Vinh) sáu năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ hai năm tù nhưng cho hưởng án treo đến năm năm tù.

Gây thiệt hại gần 70 tỉ đồng

Qua nhiều ngày xét xử và căn cứ hồ sơ vụ án, tòa xác định từ năm 2009 đến tháng 8-2018, bị cáo Thạnh và Sơn đã chỉ đạo cấp dưới triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở bằng hình thức chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) và miễn, giảm tiền sử dụng đất. 

Theo Quyết định 118 của Thủ tướng và Thông tư 30 của Bộ TN&MT, việc xem xét để hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở phải dựa trên kiến nghị của UBND phường, xã, thị trấn nơi người đó cư trú. Những kiến nghị đó phải được UBND cấp quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh xác minh lại trước khi trình lên UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương quyết định. Hồ sơ xin chuyển mục đích SDĐ phải có biên bản xác minh thực địa và biên bản giao đất trên thực địa. 

Dù quy định là vậy nhưng ông Thạnh vẫn ký ban hành hai công văn yêu cầu bỏ qua nội dung kiến nghị của UBND phường, xã, thị trấn và xác minh lại của UBND cấp huyện. Từ đó, “cò đất” tìm đến gia đình chính sách làm thủ tục hợp đồng chuyển nhượng hoặc tặng cho đất khống, hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích SDĐ từ đất không phải là đất ở thành đất ở để được miễn, giảm tiền SDĐ từ 65% đến 100%.

Sau khi hợp thức hóa chuyển mục đích SDĐ xong, “cò đất” tiếp tục lập hợp đồng chuyển nhượng đất không thật trở lại cho chủ đất cũ hoặc chuyển sang người khác đứng tên nhằm không đóng tiền chuyển mục đích SDĐ.

Cụ thể, tại cuộc họp ngày 20-8-2014 và ngày 22-8-2016, ông Thạnh với vai trò chủ tịch UBND TP Trà Vinh có nghe báo cáo về việc “cò đất” lợi dụng chính sách để làm hồ sơ hợp thức hóa cho chủ đất hưởng lợi. Tuy nhiên, bị cáo không chỉ đạo chấn chỉnh, không báo cáo UBND tỉnh, mà ký thông báo chỉ đạo tiếp tục thực hiện theo quy định cũ trước đây. Từ đó, về thủ tục, Phòng TN&MT khi thẩm định hồ sơ cho miễn, giảm vẫn tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại công văn mà ông Thạnh ký sai.

Ngoài ra, vụ án còn có sự câu kết giữa các cán bộ Phòng TN&MT với các “cò đất” làm thủ tục khống, hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích SDĐ để chủ đất không phải đóng tiền. Tổng cộng, các bị cáo đã thực hiện chuyển mục đích SDĐ và giảm tiền SDĐ 704 hồ sơ, với số tiền miễn, giảm gần 120 tỉ đồng, trong đó có 313 hồ sơ miễn giảm sai, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 70 tỉ đồng.

Các bị cáo tòa nghe tuyên án vào sáng 25-2. Ảnh: HD

Biết sai nhưng không dừng lại vì sợ bị thưa kiện

Bị cáo Thạnh kêu oan và khai rằng việc ký các quyết định là dựa vào Luật Đất đai chứ không căn cứ vào Quyết định 118/1996 của Thủ tướng. Đồng thời, bị cáo cho rằng Quyết định 118 không quy định về miễn, giảm tiền SDĐ mà chỉ quy định về nhà ở. Tuy nhiên, tại các quyết định miễn, giảm mà ông Thạnh ký trong phần căn cứ thể hiện là căn cứ Quyết định 118.

Cạnh đó, tại cơ quan điều tra, bị cáo khai việc ký quyết định cho chuyển mục đích SDĐ và ký miễn, giảm là sai so với Quyết định 118, không có kiến nghị của xã, không xác minh lại và không xác minh thực địa là sai và biết sai từ năm 2009-2010 nhưng lỡ thực hiện không ngừng lại được vì sợ bị thưa kiện.

Lời khai này phù hợp với lời khai của các cấp dưới của bị cáo. Cụ thể, bị cáo Trường Sơn và Nguyễn Văn Chiến… đều khai khi thực hiện thẩm định hồ sơ tờ trình, soạn thảo quyết định đều căn cứ vào hai công văn do ông Thạnh ký. Trong 313 hồ sơ miễn, giảm đối tượng chính sách không có ai là người có đất, gây thất thoát gần 70 tỉ đồng.

Tòa nhận định đây là vụ án được Ủy ban Trung ương trong quá trình thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đã phát hiện sai phạm nên chuyển sang cơ quan điều tra. Vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo có chức vụ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai nhưng đã làm trái quyết định của Chính phủ về chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước đối với đối tượng chính sách để tháo dỡ phần nào khó khăn của họ.

Với việc lãnh đạo, chỉ đạo sai trái của các bị cáo, các “cò đất” thực hiện hành vi mua bán chế độ làm cho chính sách không đến đúng đối tượng thụ hưởng, gây ra dư luận bất bình và hoang mang sâu sắc trong nhân dân, gây thất thoát số tiền lớn của Nhà nước.

Đối với bị cáo Thạnh, lẽ ra bị cáo được sinh ra và sống trong thời bình, được bố trí vào vị trí lãnh đạo, phải nghiêm túc chỉ đạo thực hiện trách nhiệm theo đúng quy định để chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng để bù lại phần nào mất mát, sự đánh đổi quá lớn của họ. Nhưng bị cáo lại ban hành văn bản chỉ đạo trái quy định dẫn đến một số “cò đất” lợi dụng sự khó khăn của gia đình chính sách, người khó khăn mua bán chế độ, câu kết với cán bộ Phòng TN&MT thực hiện hành vi trái pháp luật khiến người hưởng lợi không đúng quy định.

Bản thân bị cáo là người có chức vụ, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng không biết ăn năn hối cải, sửa chữa lỗi lầm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân nên cần có hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe, giáo dục chung, xoa dịu bức xúc chung trong nhân dân.

Hủy các quyết định miễn giảm trái quy định

Ngoài mức án, tòa còn tuyên hủy các quyết định miễn, giảm mục đích SDĐ trái quy định; giữ nguyên mục đích quyền SDĐ theo giấy chứng nhận quyền SDĐ đã cấp cho các chủ thể đã nộp khắc phục tiền miễn, giảm (228 thửa đất). Các chủ đất đã khắc phục hơn 49 tỉ đồng.

Cạnh đó, tòa kiến nghị Thành ủy, UBND TP Trà Vinh, Sở TN&MT có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn để nhằm nâng cao cảnh giác, ý thức bảo vệ và tuân thủ theo pháp luật, kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân, điều kiện gây ra tội phạm trong cơ quan tổ chức thuộc mình quản lý. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm