Cựu chủ tịch trung tâm hỗ trợ người nghèo lãnh án chung thân

(PLO)- Cựu chủ tịch trung tâm hỗ trợ người nghèo Trần Đức Trung kêu oan nhưng HĐXX khẳng định có đủ căn cứ buộc tội bị cáo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 9-8, sau tám ngày xét xử và nghị án kéo dài, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với các bị cáo trong vụ lừa đảo hàng ngàn người thông qua chương trình “Trái tim Việt Nam”.

HĐXX: Cựu chủ tịch không oan

Bị cáo Trần Đức Trung (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới, gọi tắt là trung tâm) bị tuyên phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng tội danh, bốn bị cáo còn lại là các cựu nhân viên của trung tâm, gồm Bùi Thị Oanh bị tuyên chín năm tù, Phạm Văn Lực sáu năm tù, Nhâm Sỹ Phúc bảy năm tù, Phan Thị Thoa tám năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo liên đới bồi thường số tiền hơn 38 tỉ đồng cho các bị hại.

Bị cáo Trần Đức Trung tại tòa. Ảnh: UYÊN TRANG

Bị cáo Trần Đức Trung tại tòa. Ảnh: UYÊN TRANG

Quá trình giải quyết vụ án, bị cáo Trung nhiều lần kêu oan. Tuy nhiên, HĐXX khẳng định căn cứ vào một số lời khai của chính bị cáo Trung tại cơ quan điều tra, lời khai của những người liên quan và các tài liệu, chứng cứ khác, có đủ căn cứ buộc tội đối với bị cáo.

Theo HĐXX, bị cáo Trần Đức Trung là người chủ mưu, khởi xướng, điều hành hai chương trình “Trái tim Việt Nam” và “Liên kết ba bên”. Mục tiêu của các chương trình là hỗ trợ người nghèo, thế nhưng các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của nhiều bị hại ở nhiều tỉnh, thành, gây bất bình trong dư luận.

Trước đó, quá trình xét hỏi và tranh luận, bị cáo Trung cũng nhiều lần phủ nhận cáo buộc của VKS, cho rằng bị truy tố oan, sai. Bị cáo nói không tiếp xúc, không nhận tiền của các bị hại.

Bị cáo có nhận tiền của trung tâm nhưng đây là tiền trung tâm trả nợ cho bị cáo, vì trước đó bị cáo có mua giúp trung tâm số lượng lớn phân vi sinh. Bị cáo đề nghị HĐXX tuyên mình không phạm tội.

Gia đình bị cáo Bùi Thị Oanh (cựu nhân viên của trung tâm) cho biết đã nộp thêm 6,4 tỉ đồng, cộng với 2 tỉ đồng đã nộp trong quá trình điều tra, tổng cộng là 8,4 tỉ đồng, để khắc phục toàn bộ hậu quả thay cho bị cáo.

Do quá trình xét hỏi và tranh luận, bị cáo Oanh thừa nhận hành vi vi phạm nhưng phủ nhận việc chiếm đoạt tiền, HĐXX hỏi bị cáo này vì sao không chiếm đoạt mà vẫn nộp tiền khắc phục?

Nữ bị cáo nói: “Cứ nộp vào để tòa xem xét”. Tuy nhiên, HĐXX cho hay nếu bị cáo không thừa nhận chiếm đoạt tiền của các bị hại thì tòa không thể ghi nhận số tiền này…

Sau một lúc truy vấn, bị cáo cúi đầu thừa nhận có chiếm đoạt 8,4 tỉ đồng. Đại diện VKS đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Oanh, đồng thời hủy bỏ các lệnh kê biên tài sản.

Lừa đảo dưới danh nghĩa hỗ trợ người nghèo

Theo bản án, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam, được thành lập năm 2013, chưa được cấp phép hoạt động và không có hoạt động phát sinh doanh thu.

Tuy nhiên, từ tháng 4-2015, các bị cáo lấy danh nghĩa trung tâm để tổ chức chương trình “Trái tim Việt Nam”. Nhóm này đưa ra chính sách bất khả thi, hứa hẹn hỗ trợ lãi suất cao.

Để tạo niềm tin, các bị cáo thường xuyên tổ chức hội thảo, tuyên truyền. Bị cáo Trung cùng người liên quan soạn tâm thư, thư kêu gọi ủng hộ trung tâm và chương trình “Trái tim Việt Nam”, xin chữ ký ủng hộ của một số cán bộ cấp cao để sử dụng làm tài liệu tuyên truyền.

Nhóm bị cáo còn đưa thông tin sai sự thật về nguồn vốn của trung tâm; tuyên truyền, hứa hẹn với người tham gia trong khoảng thời gian nhất định sẽ nhận được tiền theo chính sách. Thực tế, nguồn tiền để chi trả hầu hết là lấy của người tham gia sau trả cho người tham gia trước.

Kết quả điều tra xác định các bị cáo đã lập 26 điểm tư vấn, sáu nhóm để thu tiền của hơn 1.000 bị hại tại 16 tỉnh, TP, sau đó chuyển tiền về trung tâm và văn phòng, tổng cộng khoảng 148 tỉ đồng.

Thông qua hành vi trên, năm bị cáo chiếm đoạt, sử dụng cá nhân hơn 49 tỉ đồng, riêng bị cáo Trung chiếm hưởng 26,3 tỉ đồng.

Đáng chú ý, năm 2015, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam quyết định giải thể trung tâm.

Thế nhưng các bị cáo tiếp tục móc nối để tổ chức chương trình “Liên kết ba bên”, hoạt động theo mô hình đa cấp để bán thực phẩm chức năng, qua đó thu về gần 17,5 tỉ đồng của 104 người. Số tiền này một phần được bị cáo Trung chi trả cho những người tham gia các chương trình, còn lại chiếm đoạt 2,7 tỉ đồng.

Người nhà muốn nộp tiền nhưng bị cáo nói “đang kêu oan”

Trước đó, do xuất hiện một số tình tiết mới, thay vì tuyên án ngay như dự kiến, HĐXX quay lại phần xét hỏi. Em trai bị cáo Trần Đức Trung đề nghị dừng phiên tòa để nộp tiền, khắc phục hậu quả thay cho bị cáo. Tuy nhiên, khi được chủ tọa hỏi, bị cáo Trung lập tức phản đối. “Tôi đang kêu oan mà, sao bồi thường được” - bị cáo này quả quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm