Cựu chủ tịch VEAM nói mình 'không sai phạm gì cả'

(PLO)- Bị cáo buộc gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng, ông Trần Ngọc Hà, cựu chủ tịch HĐTV, cựu tổng giám đốc VEAM, phủ nhận hầu hết các cáo buộc của VKS.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-5, TAND TP Hà Nội xét xử vụ án sai phạm tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Công ty Vận tải Thương mại VEAM (Vetranco).

Gây thiệt hại trăm tỉ đồng

HĐXX tiến hành thẩm vấn đối với các bị cáo, trong đó có ông Trần Ngọc Hà, cựu chủ tịch HĐTV, cựu tổng giám đốc VEAM.

Theo cáo trạng, từ năm 2011 đến 2013, VEAM ký năm chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng cho Vetranco vay tổng số 193 tỉ đồng. Do Vetranco không có khả năng trả nợ, VEAM bị cưỡng thu 23 tỉ đồng và phải cho Vetranco vay thêm 52 tỉ đồng để trả nợ, dẫn tới thiệt hại gần 76 tỉ đồng.

Bị cáo Trần Ngọc Hà. Ảnh: UYÊN TRANG

Bị cáo Trần Ngọc Hà. Ảnh: UYÊN TRANG

Ông Hà bị cáo buộc biết và buộc phải biết việc VEAM bảo lãnh thanh toán cho Vetranco là trái quy định pháp luật nhưng vẫn tạo điều kiện cho cấp dưới thực hiện. Trả lời tại tòa, ông Hà nói việc bảo lãnh vay nếu dưới hạn mức quy định là thuộc thẩm quyền của tổng giám đốc, tổng giám đốc không cần phải báo cáo với HĐTV, do đó HĐTV (bao gồm bị cáo) không hề biết việc này.

Chủ tọa hỏi hạn mức bảo lãnh vay của VEAM là bao nhiêu? Ông Hà nói không nhớ chính xác, khoảng 20% vốn điều lệ tại thời điểm ấy (khoảng 2.300 tỉ đồng), tức hạn mức khoảng 460 tỉ đồng trở xuống. “Mãi đến tháng 9-2013, tôi mới được phản ánh và ngay lập tức yêu cầu báo cáo lại toàn bộ, sau đó chỉ đạo ngăn chặn ngay những phát sinh bảo lãnh tiếp theo, chính vì vậy thiệt hại không hết 193 tỉ đồng mà chỉ dừng lại hơn 75 tỉ đồng” - bị cáo nói.

Tiếp tục khai, ông Hà cho rằng mình không có điều kiện để biết về các khoản bảo lãnh này bởi như đã trình bày ở trên. Vì thế, nếu có bị cáo chỉ nhận trách nhiệm chung của người đứng đầu về mặt hành chính.

Vẫn theo cáo trạng, năm 2014, VEAM ra nghị quyết về việc đầu tư dự án sản xuất máy kéo hạng trung với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng. Mặc dù chưa được Bộ Công Thương quyết định đầu tư, bị cáo Trần Ngọc Hà với tư cách tổng giám đốc VEAM đã ký, chi hơn 56 tỉ đồng mua quyền sở hữu công nghiệp với máy kéo của Công ty ISEKI (Nhật Bản).

Năm 2018, Bộ Công Thương ra văn bản yêu cầu không thực hiện dự án. Việc này dẫn tới VEAM bị thiệt hại hơn 56 tỉ đồng, là số tiền đã thanh toán cho Công ty ISEKI.

Trả lời HĐXX, ông Hà cho biết tháng 4-2017, HĐTV VEAM biểu quyết thông qua dự án với tỉ lệ 100%. Lẽ ra sau khi biểu quyết thông qua thì chủ tịch HĐTV phải ban hành quyết định đầu tư nhưng không hiểu sao sau đó lại không ban hành.

Bị cáo cho rằng việc dừng dự án là “trái pháp luật”, bởi trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp đã được lãnh đạo Chính phủ phê duyệt có hạng mục đầu tư sản xuất máy kéo nhưng khi dừng dự án lại không xin ý kiến của lãnh đạo Chính phủ. “Nếu thực hiện đúng, không dừng dự án trái pháp luật thì không có vụ án này, dự án đã có thể hoàn thành và đi vào hoạt động” - bị cáo trình bày.

“Bị cáo thấy trong dự án này có sai phạm gì không?” - chủ tọa hỏi. Đáp lời, ông Hà nói: “Đã thực hiện đúng, không có sai phạm gì”.

“Thấy có lợi cho công ty là làm”

VKS cáo buộc một sai phạm khác tại VEAM xảy ra năm 2015. Vẫn với tư cách tổng giám đốc VEAM, Trần Ngọc Hà tự ý quyết định hợp tác với Công ty T-King (Trung Quốc) thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển sản phẩm ô tô tay lái bên phải để xuất khẩu sang Srilanka. Việc này không có nghị quyết của HĐTV VEAM, cũng không nằm trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã được phê duyệt của tổng công ty.

Quá trình thực hiện, ông Hà quyết định việc chuyển tạm ứng cho Công ty T-King tổng số tiền 400.000 USD để T-King nghiên cứu, phát triển các bộ linh kiện ô tô tay lái bên phải. Thế nhưng kế hoạch nêu trên sau đó không thực hiện được vì không có tính khả thi, VEAM không thu hồi được khoản tiền đã tạm ứng nên bị thiệt hại gần 10 tỉ đồng.

Ông Trần Ngọc Hà bị cáo buộc biết và buộc phải biết việc VEAM bảo lãnh thanh toán cho Vetranco là trái quy định pháp luật nhưng vẫn tạo điều kiện cho cấp dưới thực hiện.

Tiếp tục phủ nhận cáo buộc, ông Hà nói hằng năm HĐVT VEAM đều ban hành kế hoạch sản xuất, doanh thu nhưng chỉ ở dạng con số (bao nhiêu tỉ đồng). Trên cơ sở đó, tổng giám đốc có kế hoạch triển khai cụ thể. “Chưa bao giờ HĐTV ban hành kế hoạch phải sản xuất sản phẩm A, sản phẩm B nên không thể nói việc tôi làm là không có trong kế hoạch” - bị cáo nói.

Vẫn theo lời cựu tổng giám đốc VEAM, khi dự án đang làm dở dang thì ông bị dừng điều hành, người kế nhiệm không tiếp tục thực hiện nên không thể lấy lại tiền đặt cọc. Thực tế, phía công ty Trung Quốc đã phát triển xe tay lái phải xong rồi nhưng VEAM chưa nhập linh kiện nên họ không trả lại tiền. Về lý thuyết, tiền này không bao giờ mất, chỉ cần nhập đủ linh kiện thì sẽ được trả lại, kể cả bây giờ hay sau này.

“Bị cáo thấy có sai phạm gì không?” - HĐXX tiếp tục đặt câu hỏi. Không trả lời thẳng, ông Hà nói: “Tôi là người hết sức đam mê, năng động, thấy có lợi cho công ty là làm”.

“Nếu đúng như bị cáo trình bày thì với những cáo buộc của VKS, bị cáo chẳng có gì vi phạm?” - HĐXX hỏi tiếp. Ông Hà liền đáp: “Vâng, tôi làm tất cả đều rất trách nhiệm”.

Khi ký bảo lãnh vay không biết là sai

Theo cáo trạng, từ năm 2011 đến 2013, bị cáo Lâm Chí Quang với chức danh tổng giám đốc VEAM đã ký bốn chứng thư bảo lãnh thanh toán cho Vetranco vay 193 tỉ đồng, gây thiệt hại cho VEAM.

Trả lời tại tòa, ông Quang cho hay được kế toán trưởng làm tờ trình và báo cáo về việc bảo lãnh cho Vetranco. Theo báo cáo, việc này đã được thực hiện từ đời tổng giám đốc VEAM trước đó và Vetranco làm ăn cũng rất tốt. Đồng thời, Bộ Công Thương khi ấy có giao chỉ tiêu kinh doanh cho Vetranco.

Cho rằng việc bảo lãnh cũng là để bảo đảm việc đạt chỉ tiêu kinh doanh cho Vetranco, ông Quang đã đồng ý ký các chứng thư bảo lãnh vay. Bị cáo này nói khi ký, ông và cả lãnh đạo công ty không ai nghĩ là vi phạm hạn mức cho vay. Phải đến mấy năm sau, khi được cơ quan điều tra chỉ rõ, ông mới thấy là sai. TUYẾN PHAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm