Chiều 21-10, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt Nguyễn Thanh Don (SN 1983, cựu cán bộ công an thuộc Cơ quan thường trực phía nam Bộ Công an) ba năm sáu tháng tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
Ban đầu Don bị truy tố đưa ra xét xử theo điểm a khoản 4 Điều 170 BLHS, có khung hình phạt 12-20 năm tù. Theo đó, tòa chỉ định luật sư bào chữa cho bị cáo này tại phiên xử.
Tuy nhiên, trong phần thủ tục, bị cáo Don từ chối luật sư. Cựu công an này trình bày bản thân ăn năn hối cải, muốn thành tâm khai báo nên từ chối và gửi lời cám ơn luật sư đã vào Chí Hòa thăm gặp, động viên. HĐXX chấp nhận việc từ chối luật sư của bị cáo. Trước đó, tòa bác yêu cầu được xét xử kín vụ án và không đăng tải bản án của Don.
Tại tòa, bị cáo Don thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, không tranh luận. Nói lời sau cùng bị cáo mong HĐXX xem xét hoàn cảnh để chiếu cố hình phạt.
Đáng chú ý, VKS có quyết định thay đổi khoản truy tố đối với bị cáo Don thành khoản 1 Điều 170 (mức hình phạt từ một đến năm năm tù) và đề nghị HĐXX tuyên phạt từ ba năm đến ba năm sáu tháng tù.
Bị cáo Don tại phiên xử chiều 21-10. Ảnh: HY
HĐXX nhận định lời khai nhận tội của Don phù hợp hồ sơ vụ án. Tòa nhận định đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo Don là đe dọa đòi 1,5 tỉ đồng đối với nạn nhân. Tuy nhiên, khi giao tiền, ông Trần Văn Gấm (lúc đó là giám đốc Agribank Chi nhánh 4 (TP.HCM) đem đến chiếc cặp không.
Hành vi phạm tội của bị cáo đã hoàn thành khi yêu cầu giao tiền. Và thực tế chiếm đoạt tiền bao nhiêu là căn cứ định khung hình phạt trong vụ án này. Dữ liệu vụ án là bị cáo là chưa nhận được tiền nên việc VKS thay đổi khoản truy tố là đúng.
HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ ăn năn, thành khẩn, phạm tội lần đầu, hoàn cảnh, gia đình có công, phạm tội chưa đạt để quyết định mức hình phạt như trên.
Trước đó, để đưa vụ án ra xét xử, VKS đề nghị TAND TP.HCM triệu tập nhiều người đến phiên tòa. Cụ thể là ông Gấm, nạn nhân của vụ án, ông Lê Bá Thọ (Phó Phòng kiểm soát ), Trần Thị Mỹ Hương (nhân viên kho quỹ) với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng. Tại phiên xử, ông Gấm có đơn xin xét xử vắng mặt và có đơn xin bãi nại cho bị cáo trước đó.
Theo hồ sơ, sau khi được ông Thọ, bà Hương cung cấp các tài liệu liên quan tới sai phạm của ông Gấm, Don đã gọi điện thoại và nhắn tin tống tiền 3 tỉ đồng. Don đã tự đánh máy một bức thư để tên Trần Thanh Tra, ghi địa chỉ 258 Nguyễn Trãi, quận 1 (nơi Don công tác) và sử dụng điện thoại bàn cơ quan gọi cho ông Gấm với nội dung "biết điều thì khắc phục hậu quả".
Tiếp đến, Don mua hai SIM rác nhắn tin yêu cầu đưa 3 tỉ đồng để nhận lại tài liệu bản chính không sẽ gửi CQĐT. Sau đó, Don nhắn tin yêu cầu giao dịch tại trước cổng Cơ quan thường trực phía nam - Bộ Công an số 258 Nguyễn Trãi đưa 1,5 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, Don khai nhận hành vi phạm tội. Lý giải cho động cơ phạm tội, Don cho rằng hoàn cảnh khó khăn, muốn có tiền cải thiện cuộc sống gia đình và giúp em họ có điều kiện thuê mặt bằng để kinh doanh mua bán.
Theo hồ sơ, giữa tháng 6-2006, Don tốt nghiệp ĐH An ninh nhân dân. Sau đó, Don về công tác tại Cục An ninh xã hội - Bộ Công an. Trong quá trình công tác tại đây, Don quen với ông Thọ và thông qua đây biết một số sai phạm của ông Gấm.
Ngay sau đó, Don gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa, yêu cầu ông Gấm đưa 3 tỉ đồng. Những ngày tiếp đó, vào ngày 6 và 7-1-2018, Don gọi điện thoại, nhắn tin yêu cầu ông Gấm đưa tiền trước 1,5 tỉ đồng. Ngày 8-1-2018, Don nhờ em họ Trần Duy Quang đến trước cơ quan để thực hiện giao dịch với ông Gấm. Khi đang thực hiện giao dịch thì Quang bị công an bắt giữ. Khi biết em họ bị bắt, Don tiêu hủy tất cả chứng cứ nhằm qua mặt CQĐT.
Theo các cơ quan tố tụng, ông Thọ, bà Hương và Quang không biết việc Don tống tiền ông Gấm nên không có căn cứ để xử lý hình sự. Được biết sau phiên xử, cựu công an không có kháng cáo bản án vừa tuyên.