Cựu giám đốc CDC Đắk Lắk nghẹn giọng, nói lời sau cùng trước tòa

(PLO)- Nói lời sau cùng, cựu giám đốc CDC Đắk Lắk nghẹn ngào cho biết rất buồn vì "không có lãnh đạo các sở ngành liên quan của tỉnh đến dự tòa".

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-8, TAND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục xét xử vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk.

CDC Đắk Lắk 20.JPG
Bị cáo Trịnh Quang Trí nói lời sau cùng tại phiên tòa. Ảnh: TIẾN THOẠI

Các bị cáo tại CDC Đắk Lắk bị đưa ra xét xử gồm: Trịnh Quang Trí (54 tuổi, cựu giám đốc), Trần Thị Nguyên Hằng (44 tuổi, cựu nhân viên khoa xét nghiệm), Trần Thanh Mỹ (54 tuổi, cựu trưởng phòng Tài chính-Kế toán), Đặng Minh Tuyết (48 tuổi, cựu phó khoa xét nghiệm).

Cùng tội danh, cùng bị xét xử trong vụ án trên còn có bị cáo Đinh Lê Lê Na (34 tuổi, cựu nhân viên kinh doanh của Công ty Việt Á).

Nói lời sau cùng, bị cáo Trí vẫn khẳng định ông không nhận tiền chiết khấu từ Công ty Việt Á. "Mỗi người có mỗi giá trị khác nhau, không phải máy móc. Không phải nhân viên của bị cáo nhận tiền thì bị cáo cũng phải nhận tiền của Việt Á" - bị cáo Trí nói.

Bị cáo Trí cũng nói ông rất buồn khi phiên tòa hôm nay không có lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Sở Tài chính, Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk. Bởi lẽ, những đơn vị trên đã cùng đồng hành với cơ quan ông trong thời kỳ chống dịch, tham gia xem xét, thẩm định giá các gói thầu liên quan vụ án và được tòa mời đến dự phiên xử.

Bị cáo Trí nói thêm, cấp dưới của ông, những bị cáo trước tòa hôm nay mỗi người có một hoàn cảnh, mong HĐXX có bản án nhân văn nhất để họ sớm trở về với gia đình.

Còn bị cáo Hằng nói sau này sẽ không còn cơ hội để đồng hành, chăm sóc sức khỏe nhân dân nữa. Tuy nhiên, bị cáo cho biết những kỷ niệm thời chống dịch Covid-19, những đêm thức trắng để đồng hành chống dịch vẫn mãi trong ký ức của bà.

“Xảy ra sự việc, bị cáo xin lỗi người dân, gia đình vì đã làm mất kỳ vọng, mất hình ảnh với các con… Bị cáo mong có mức án phù hợp để sớm trở về với gia đình” - bị cáo Hằng nói.

Ông Lê Phúc, đại diện CDC Đắk Lắk nói, đại dịch Covid-19 xảy ra, tạo ra nhiều áp lực về chuyên môn, công việc, dẫn đến việc các bị cáo phải đứng trước tòa hôm nay. Vì vậy, ông Phúc đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định cần có thêm thời gian để xem xét, biểu quyết, đưa ra mức án phù hợp với vai trò, hành vi phạm tội của từng bị cáo. HĐXX cho biết sẽ kéo dài thời gian nghị án đến 14 giờ ngày 5-8 sẽ tuyên án.

CDC Đắk Lắk.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa.

Như PLO đã thông tin, trong phần tranh luận, đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk thực hiện quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX phạt bị cáo Trí 4-5 năm tù; bị cáo Lê Na 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù; bị cáo Trần Thị Nguyên Hằng 2 năm 3 tháng đến 2 năm 9 tháng tù.

Các bị cáo Tuyết và Mỹ bị đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk đề nghị xử phạt 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù.

Trong quá trình điều tra, cũng như ở phần xét hỏi, tranh luận tại tòa, bị cáo Trí một mực khẳng định không nhận tiền chiết khấu của Công ty Việt Á, không nhận tiền từ bị cáo Lê Na.

Còn bị cáo Lê Na khai đã bốn lần gặp, đưa tiền mặt cho bị cáo Trí tại trụ sở CDC Đắk Lắk.

Những bị cáo khác thừa nhận cáo trạng truy tố đúng và trình bày do bối cảnh dịch bệnh cấp bách nên dẫn đến hành vi phạm tội. Tuy nhiên, các bị cáo khai không cố tình phạm tội, không cố ý gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Lắk, trong quá trình triển khai kế hoạch mua sắm trang thiết bị, hóa chất phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Trịnh Quang Trí đã chỉ đạo Đặng Minh Tuyết và Trần Thị Nguyên Hằng liên lạc, trao đổi với Đinh Lê Lê Na để tạm ứng sinh phẩm, hóa chất, vật tư phục vụ xét nghiệm và hợp thức hóa thủ tục thanh toán.

Lê Na đã xin ý kiến của Phan Quốc Việt (cựu chủ tịch HĐQT, cựu tổng giám đốc Công ty Việt Á) về việc cho CDC Đắk Lắk mượn hàng và được Việt đồng ý.

Để thanh toán một phần hàng hóa đã tạm ứng, Trịnh Quang Trí chỉ đạo các khoa, phòng của CDC Đắk Lắk hoàn thiện, hợp thức hồ sơ nhằm thanh toán cho các Công ty An Việt, Công ty Dược phẩm Huế, Công ty Việt Á bằng hình thức đấu thầu rộng rãi và chỉ định thầu rút gọn.

Với các hình thức hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu, từ năm 2020-2021, CDC Đắk Lắk đã lập, ký duyệt, hợp thức hóa hồ sơ sáu gói thầu. Trong đó, có bốn gói thầu đã thanh toán (gói thầu số 1, 2, 3, 4), hai gói thầu chưa ký kết hợp đồng và chưa thanh toán (gói thầu số 5, 6).

Kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, hành vi vi phạm quy định về đấu thầu nêu trên đã gây hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng hơn 6,8 tỉ đồng.

Vẫn theo cáo trạng, sau khi CDC Đắk Lắk thanh toán tiền cho các công ty, Trịnh Quang Trí đã được hưởng lợi số tiền hơn 211 triệu đồng.

Trần Thị Nguyên Hằng được hưởng lợi hơn 900 triệu đồng; Trần Thanh Mỹ được hưởng lợi số tiền 171 triệu đồng; Đặng Minh Tuyết cũng được hưởng lợi số tiền 66 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm