Số thẻ ATM mà Trung mua để lừa đảo. Ảnh: TT
Ngày 1-6, Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng cho biết, vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Thành Trung, Lê Quang Linh và Nguyễn Xuân Tân (cùng ngụ tại Duy Phước, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) để điều tra, làm rõ hành vi“sử dụng mạng máy tính, viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Theo điều tra ban đầu, khoảng từ tháng 2-2015, Trung và hai đối tượng trên đã “giăng” nhiều bẫy để lừa đảo trúng thưởng qua mạng. Cụ thể, sau khi đăng nhập vào các trang mạng xã hội như: Facebook, Beetak..., Trung gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng đến các thành viên.
Theo đó, những người này đã trúng thưởng một chiếc xe máy Lerberty hoặc phiếu quà tặng trị giá 50 – 70 triệu đồng cùng nhiều phần quà hấp dẫn khác. Khi khách hàng liên hệ để nhận giải thì nhóm lừa đảo này hướng dẫn họ làm thủ tục nhận thưởng, đồng thời phải nộp trước 1,5 triệu đồng (bằng card điện thoại) chi phí làm hồ sơ. Nhận được số tiền này, Trung tiếp tục yêu cầu nộp thêm các loại chi phí như: phí vận chuyển, phí VAT... Có người đã phải chuyển cho nhóm này số tiền lên đến gần 100 triệu đồng.
Để nhận được tiền chuyển khoản từ “khách hàng”, Trung sử dụng tám thẻ ATM của nhiều ngân hàng khác nhau (có chi nhánh tại TP.Đà Nẵng) để rút tiền. Theo khai nhận bước đầu, đối tượng này đã mua 8 chiếc thẻ ATM nói trên với giá hơn 10 triệu đồng. Trong đó, có nhiều thẻ ATM được làm bằng giấy chứng minh nhân dân giả.
Cơ quan điều tra bước đầu xác định, ngoài việc lừa đảo trên mạng, Trung còn là “đầu nậu” chuyên đứng ra thu mua, quy đổi thẻ cào điện thoại cho các nhóm lừa đảo. Cụ thể, sau khi lừa được “khách hàng” nộp card, các đối tượng như: Tân và Linh sẽ bán lại cho Trung với giá rẻ hơn giá thực tế. Sau đó, Trung vào mạng internet tiến hành giao dịch, bán lại cho những người dùng thực tế để hưởng chênh lệch.
Theo khai nhận của Trung, nhóm lừa đảo này thường xuyên sử dụng máy tính kết nối mạng ở quán internet Blue (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) để giao dịch với “khách hàng”. Ngoài ra, một số quán internet công cộng, quán cà phê Tố Quyên (cũng ở thị trấn Nam Phước) cũng được xem là “hang ổ” của nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng.