Đà Nẵng cấm người dân qua cầu, Quảng Nam dự trữ gạo chống bão

(PLO)- Khi gió đạt cấp 6-cấp 10 sẽ cấm người dân qua các cầu ở Đà Nẵng. Trong khi đó, 6 huyện miền núi tại Quảng Nam tích trữ gạo để chống bão khi bị cô lập. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sở GTVT TP Đà Nẵng đã triển khai phương án cấm lưu thông một số cầu, hầm, tuyến đường trên địa bàn TP Đà Nẵng để phòng tránh bão số 4.

Cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, cầu Phò Nam và cầu vượt Ngã ba Huế sẽ áp dụng phương án cấm lưu thông theo các cấp độ gió.

Cụ thể, khi gió đạt cấp 6 (tương ứng vận tốc từ 10,8 đến 13,8 m/s) thì tổ chức chốt hai đầu cầu, cảnh báo người dân nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông khi qua các cầu.

Đà Nẵng cấm người dân lưu thông qua cầu khi gió bắt đầu đạt từ cấp 6. Ảnh: HOÀI AN

Đà Nẵng cấm người dân lưu thông qua cầu khi gió bắt đầu đạt từ cấp 6. Ảnh: HOÀI AN

Khi gió đạt cấp 7 (tương ứng vận tốc từ 13,9 đến 17,1 m/s) sẽ cấm tất cả các loại phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Thuận Phước và xem xét tình hình lưu thông qua các cầu khác để triển khai phương án cấm xe mô tô, xe máy.

Khi gió đạt cấp 10 (tương ứng vận tốc từ 24,5 đến 28,4 m/s), tiến hành phong tỏa, cấm tất cả các loại phương tiện qua các cầu.

Đối với các hầm chui tại nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, nút phía tây cầu Sông Hàn. Khi có sự cố ngập nước, cấm các phương tiện lưu thông để bảo đảm an toàn. Đề nghị lực lượng chức năng bố trí lực lượng chốt chặn, hướng dẫn bảo đảm giao thông.

Tại Quảng Nam, theo báo cáo nhanh từ 6 huyện miền núi cao gồm: Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My và Bắc Trà My, đến nay công tác dự trữ gạo, lương thực thực phẩm tại các địa phương này đang được khẩn trương triển khai, cơ bản đáp ứng khi có tình huống bị cô lập xảy ra.

Trong đó, huyện Phước Sơn cấp 450 triệu đồng cho 4 xã vùng cao mua dự trữ, hiện đang chuyển về các thôn.

Huyện Nam Giang đã giao các xã chủ động thực hiện mua dự trữ tại xã. Huyện Đông Giang đã giao kinh phí 150 triệu đồng để mua dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Huyện Nam Trà My đã dự trữ 10 tấn và 1 tuần trước đã cấp cho các xã tổng 40 tấn gạo, 22 đơn vị trường học đang có mỗi trường từ 3-4 tấn gạo.

Huyện Bắc Trà My do không có kho dự trữ ở các xã nên đã đề nghị các cơ sở kinh doanh (tiểu thương) dự trữ. Huyện Tây Giang đã dự trữ tại huyện 40 tấn; trong dân 180 tấn (trong đó người dân 100 tấn, trong các tiểu thương là 80 tấn).

Sở Công Thương TP Đà Nẵng ban hành văn bản số 2247/SCT-QLTM đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo Ban Quản lý chợ và các đơn vị trực thuộc tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, tiểu thương tại chợ tăng cường dự trữ hàng hoá thiết yếu, không lợi dụng thiên tai, bão lụt để đầu cơ, găm hàng, nâng giá; đồng thời có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản, duy trì hoạt động khi có tình huống xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm