Bà Bích mở đầu bằng việc viện dẫn các niềm tin, gia đình bà đã gây dựng nên doanh nghiệp lớn, tổng tài sản hiện lên đến hơn 12.000 tỉ đồng. Tất cả khoản tiền đầu tư được hình thành hợp pháp bằng nhiều năm liền hoạt động kinh doanh, bằng mồ hôi nước mắt của gia đình cũng như người lao động.
Bà Trần Ngọc Bích trình bày tại tòa.
Khoản tiền 5.190 tỉ đồng, bà Bích cho là khoản tiền hợp pháp của gia đình bà. Việc gửi tiết kiệm và vay lại để phục vụ kinh doanh là bình thường.
Bà Bích đặt vấn đề: "Không có gì chắc chắn và an toàn hơn ngân hàng nên tiền trong tài khoản không chuyển đi thì sẽ luôn ở trong tài khoản. Điều tôi không thể hiểu được là vì sao tiền của tôi không chuyển đi mà lại không còn trong tài khoản. Tôi có tiền trong tài khoản mà bị mất thế nhưng lại bị quy chụp đủ điều nào là có câu kết với ông Danh hay không, có cho vay nặng lãi hay không… Tôi không cho vay là không cho vay, không đồng phạm với ông Danh là không đồng phạm và tôi không có nghĩa vụ phải chứng minh điều này. Tiền của tôi vì sao tôi phải chứng minh, giờ đây tôi phải theo vụ án này, rất mệt mỏi.
Nhiều bị cáo, luật sư khẳng định tôi cho ông Danh vay 5.190 tỉ đồng. Ngân hàng Xây dựng phải có trách nhiệm về khoản tiền này. Phải chăng Ngân hàng Xây dựng đang đẩy đưa để tránh trách nhiệm. Tôi không có lý do gì để đồng phạm với ông Danh. Tôi biết rằng nước mắt không thể hiện được sự oan ức, chứng cứ khách quan, công lý sẽ được thực hiện".
Luật sư nhóm bà Bích nêu quan điểm pháp lý: Bà Bích cùng các cá nhân đã gửi tổng cộng hơn 5.800 tỉ đồng. Khoản tiền 5.190 tỉ đồng, toàn bộ tiền vay đã được chuyển vào tài khoản thanh toán của bà Bích nhưng bị VNCB chuyển đi bất hợp pháp nên yêu cầu VNCB trả lại tiền và lãi suất cho bà Bích. Vì VNCB chuyển tiền trên tài khoản thanh toán không có chữ ký, phải chịu trách nhiệm.
Phạm Công Danh và các đồng phạm tại tòa.
Cạnh đó, không có căn cứ cho việc bà Bích nhận lãi ngoài. Bởi các lý do là: VNCB có một tổ giám sát tại VNCB và giám sát hoạt động thì không có lý do gì VNCB chi lãi ngoài, khi có vấn đề thanh khoản xảy ra thì VNCB phải báo lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng bị cáo Mai cũng đã khẳng định chưa có văn bản nào gửi lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thống đốc Bình cũng đã khẳng định thời điểm đó thanh khoản các ngân hàng ổn định…
Lý do nữa là VNCB không có tiền để chi trả lãi ngoài. Nếu là tiền ông Danh thì tiền đâu trả lãi ngoài. Nếu tiền của Tập đoàn Thiên Thanh thì có thể hiện trên báo cáo tài chính của Tập đoàn Thiên Thanh không. Thực tế ông Danh hay Tập đoàn Thiên Thanh không chi đồng nào lãi ngoài. Việc cho rằng ông Danh chi hàng ngàn tỉ đồng trả lãi ngoài thì thật vô lý hết sức; VNCB không thể chi lãi ngoài.
Khoản lãi ngoài theo khai báo của các bên là hàng ngàn tỉ đồng, VNCB không thể làm điều này trong thời gian dài dưới sự giám sát của tổ giám sát. Quá trình điều tra truy tố đã không làm rõ được quy trình chi lãi ngoài thế nào, lưu trữ ở đâu, ai thực hiện, giám đốc chi nhánh nào yêu cầu trả lãi ngoài…
Từ các phân tích trên, luật sư khẳng định không thể thu hồi 5.190 tỉ đồng mà ông Danh chuyển cho ông Trần Quí Thanh (cha bà Bích) vì việc chuyển tiền từ ông Danh cho ông Thanh là hợp pháp. Ông Thanh không biết nguồn gốc khoản tiền của ông Danh.
Số tiền chuyển này không phải vật chứng của vụ án. Ông Thanh, bà Bích có quyền gửi tiền, vay tiền độc lập vì thế không thể cấn trừ, lấy khoản tiền ông Danh chuyển cho ông Thanh trả về bà Bích được. Bà Bích không đồng phạm với Danh, không cùng chung ý chí, không cùng chung hành động với ông Danh. Chẳng lẽ bà Bích đồng phạm với ông Danh để lấy tiền của chính mình?