Sáng 12-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.
Tư nhân và Nhà nước cùng làm
ĐB Hoàng Văn Cường, Đoàn TP Hà Nội, cho rằng chưa thể khẳng định được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mới đủ năng lực đầu tư. ACV có nhiều lợi thế nhưng tư nhân vẫn có thể đầu tư dù chưa có kinh nghiệm. Điển hình như sân bay Vân Đồn do một doanh nghiệp tư nhân đầu tư vừa được bình chọn là một trong sáu sân bay tốt nhất Đông Nam Á.
Đại diện ACV thuyết minh cho đại biểu Quốc hội về dự án sân bay Long Thành.
Bên cạnh đó, hiện ACV huy động được 1/3 vốn, điều này cho thấy chưa chắc giao cho ACV đã huy động được vốn tốt nhất. Dù Chính phủ không phải bảo lãnh thì ACV vẫn phải đi huy động, mà doanh nghiệp nhà nước (DNNN) huy động thì khó khăn hơn tư nhân do vướng các quy định. “Nếu nhìn 12 dự án thua lỗ vừa qua, liệu có khả thi không” - ông Cường đặt câu hỏi.
Theo ĐB Hoàng Văn Cường, Chính phủ cần kêu gọi các tập đoàn tư nhân cùng ngồi lại với nhau. Trong đó, ACV là hạt nhân, hình thành tổ hợp đầu tư, khai thác sức mạnh tư nhân và vai trò của ACV. Đồng thời, đừng ngại tư nhân sẽ nhận hạng mục có lợi còn Nhà nước là những hạng mục khó khăn.
“Bởi Nhà nước chỉ cần làm những hạng mục không có lợi, hoặc khó khăn mà tư nhân không làm, không muốn làm và làm không hiệu quả…” - ĐB Hà Nội nêu quan điểm.
Cho rằng việc đấu thầu hay chỉ định thầu đã được quy định rõ trong Luật Đấu thầu, vấn đề ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) lo lắng nghị quyết yêu cầu không ảnh hưởng tới nợ công. Nhưng ACV là công ty có 95% vốn nhà nước.
“ACV dự kiến vay 2,6 tỉ USD, vậy triển khai có vấn đề thì có ảnh hưởng tới 95% phần vốn Nhà nước không? Trách nhiệm của Nhà nước ở đây thế nào? Hay cứ căn cứ vào mấy nội dung của nghị quyết này mà các nội dung khác Chính phủ trình được thông qua…” - vị ĐB phân vân.
Về tổng mức đầu tư dự án, ĐB Bạc Liêu cho rằng hiện Hội đồng Thẩm định nhà nước còn chưa có kết luận. Vậy Quốc hội căn cứ vào đâu để quyết tổng mức đầu tư dự án không vượt hơn 111.000 tỉ đồng, trong khi thời gian trình Quốc hội xem xét báo cáo khả thi rất vội.
“Luật Đầu tư công quy định, chậm nhất 60 ngày trước ngày khai mạc Quốc hội nhưng ngày 7-10 Chính phủ mới gửi hồ sơ, trừ những ngày thứ Bảy, Chủ nhật thì Quốc hội có đủ thời gian không?...” - ông Tạ Văn Hạ đặt câu hỏi.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng việc chỉ định thầu theo quy định là Chính phủ, không cần Quốc hội. “Đọc thì Chính phủ nói đề nghị Quốc hội giao cho ACV. Vậy Quốc hội có giao cho ACV không? Chúng ta và nhiều ĐB còn băn khoăn… ngay cả việc vay không cần bảo lãnh Chính phủ, không ảnh hưởng tới nợ công. Tôi nghĩ nếu cần chúng ta vẫn phải dùng tới nợ công. Quốc hội nếu giao thế này là trói tay Chính phủ...” - vị ĐB Bình Dương nói.
Ông Hồng cũng tỏ ra lo lắng, vì Chính phủ cho rằng sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến đối với sân bay Long Thành nhưng công nghệ thay đổi hằng ngày. “Vậy đến năm 2025-2035 thì sao…” - ông Hồng đặt câu hỏi.
Cân nhắc về khả năng huy động vốn của ACV
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thay mặt Chính phủ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thông qua một số nội dung về sân bay Long Thành. Cụ thể, giao ACV đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1. Với tổng mức đầu tư gần 4,8 tỉ USD (hơn 111.000 tỉ đồng). Các công trình phục vụ quản lý bay được đề nghị giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Chính phủ cũng đề xuất điều chỉnh diện tích đất giai đoạn một từ 1.165 ha lên khoảng 1.810 ha. Điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng. Việc điều chỉnh này nhằm có khu vực dùng riêng thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Bên cạnh đó, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối số 1 (dài 3,8 km, kết nối phía tây của sân bay với quốc lộ 51) và 2 (dài 3,5 km, kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) vào giai đoạn 1 của dự án để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.
Báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu thì việc lựa chọn nhà đầu tư dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
“Có ý kiến đề nghị, để bảo đảm vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia và hiệu quả đầu tư, Quốc hội có thể đồng ý giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao cho các doanh nghiệp nhà nước, có đủ điều kiện để huy động vốn không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ, không gây nợ xấu, có năng lực quản lý vận hành cảng hàng không là nhà đầu tư để trực tiếp đầu tư, quản lý, khai thác đồng bộ sân bay Long Thành…” - ông Thanh nói.
Về phương án huy động vốn của ACV, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về khả năng cấp bảo lãnh đối với khoản vay này để có cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của phương án huy động vốn đối với nợ công.
“Ngoài ra, cũng cần cân nhắc về khả năng huy động vốn của ACV vì phải đồng thời thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như các cảng hàng không khác trên cả nước. Đối với nguồn vốn của VATM cũng cần làm rõ hơn năng lực tài chính để thực hiện…” - ông Vũ Hồng Thanh nói.