Đại học Fulbright: ĐBSCL cần có một mô hình phát triển thoát ra khỏi quỹ đạo hiện nay

(PLO)- Theo TS Vũ Thành Tự Anh, đứng về góc độ chính sách, ĐBSCL cần có một mô hình phát triển khác, một mô hình phát triển ra khỏi quỹ đạo hiện nay thì mới có thể vừa phát triển vừa giữ gìn và bảo vệ nguồn tài nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-6, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thuộc Đại học Fulbright Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Dragon-Mekong Institute) thuộc Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo tham vấn với chủ đề thách thức và chính sách quản lý nguồn tài nguyên ở ĐBSCL.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông ở nhiều địa phương.

TS Vũ Thành Tự Anh phát biểu tại hội thảo tham vấn ngày 2-6. Ảnh: NHẪN NAM

TS Vũ Thành Tự Anh phát biểu tại hội thảo tham vấn ngày 2-6. Ảnh: NHẪN NAM

Mục tiêu của hội thảo nhằm tìm hiểu những thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường đang xảy ra ở ĐBSCL và những tác động của nó đối với sinh kế của người dân; tìm hiểu các giải pháp thích ứng và quản lý nguồn tài nguyên phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo sinh kế người dân; tìm hiểu khoảng trống trong chính sách có liên quan.

TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho biết, trường sẽ có góc nhìn liên quan đến kinh tế, xã hội, chính sách; góc nhìn từ Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu đóng vai trò giúp nhóm nghiên cứu có góc nhìn, thông tin, bộ dữ liệu cần thiết để đánh giá được các vấn đề như khí hậu, môi trường, sinh thái của đồng bằng một cách đầy đủ hơn.

“Quan điểm của chúng tôi, đứng về góc độ chính sách mà nói, ĐBSCL cần có một mô hình phát triển khác, một mô hình phát triển ra khỏi quỹ đạo hiện nay thì chúng ta mới có thể vừa phát triển vừa giữ gìn và bảo vệ nguồn tài nguyên. Đó là mục tiêu quan trọng nhất trong nỗ lực của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright trong dự án này” – TS Tự Anh nói.

Tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt về dự án; đại diện Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu và Trường Fulbright trình bày các báo cáo về các vấn đề nổi cộm ở ĐBSCL…

Một số ý kiến đề xuất nghiên cứu của dự án phải gắn liền với thực tiễn, phải hướng đến cộng đồng. Đồng thời mong dự án làm sao kết nối cơ quan quản lý nhà nước để đưa kết quả nghiên cứu này đến phục vụ cơ quan quản lý cũng là phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống của người dân ĐBSCL.

Đại biểu phát biểu ý kiến trong phần thảo luận tổ về các câu hỏi tham vấn. Ảnh: NHẪN NAM

Đại biểu phát biểu ý kiến trong phần thảo luận tổ về các câu hỏi tham vấn. Ảnh: NHẪN NAM

TS Nguyễn Hồng Tín đến từ Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL (thuộc Đại học Cần Thơ) đánh giá năm hợp phần của dự án (về nông nghiệp, chuyển đổi sinh kế, biến đổi khí hậu, thách thức, năng lượng…) đều là những chủ đề nóng.

TS Tín cho rằng ĐBSCL hiện nay có rất nhiều dự án của nhiều tổ chức triển khai nhưng khó nhất là điều phối vùng. “Nó thiếu một minh chứng, cơ sở lý luận hay chính sách gì đó, tôi nghĩ nếu được thì dự án có một hợp phần về điều phối vùng là rất quan trọng” – ông Tín nói.

Cũng theo TS Tín, các vấn đề biến đổi khí hậu, sinh kế thì nhiều nơi, nhiều người đã làm nhưng không có tính hệ thống, mạnh ai nấy làm, trùng lắp. “Tôi nghĩ một hợp phần về quản trị kiến thức là cực kỳ quan trọng, qua đó tìm cơ chế, nguyên lý nào đó để bổ sung cho nhau, không phải làm đi làm lại mà mang tính kế thừa, như vậy thì nguồn lực và chi phí sẽ tiết kiệm và mang tính hỗ trợ rất lớn” – ông Tín góp ý.

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã chia tổ để bàn về các vấn đề như thách thức lớn nhất của ĐBSCL hiện nay là gì; những thách thức này đang được giải quyết như thế nào; cần những giải pháp/chính sách nào để giải quyết các vấn đề đó…

Sẽ xây dựng kho dữ liệu chung của ĐBSCL

TS Tự Anh cho biết, trường Chính sách công vừa phối hợp với Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương để cùng đóng góp cho một đề xuất về mô hình quản lý vùng cho miền Đông Nam Bộ, sắp tới là vùng Tây Nam Bộ và các vùng khác trên cả nước. Cạnh đó, năm 2023, trường phối hợp VCCI Cần Thơ, VCCI thực hiện báo cáo thường niên, chủ đề về quản trị vùng sẽ là chủ đề nổi bật.

Về quản trị tri thức, TS Tự Anh đồng ý với TS Trí là hiện nay có rất nhiều nghiên cứu, có rất nhiều mảnh ghép khác nhau mà nó trùng lắp, rời rạc, thiếu một bộ phận hoặc cơ chế nào đó để tích hợp các kiến thức này với nhau.

“Trước buổi này, chúng tôi cũng vừa mới trao đổi xong là chúng ta sẽ hợp tác với nhau giữa Fulbright và Dragon-Mekong Institute để thành lập một hệ thống cơ sở dữ liệu chung, không chỉ là biến đổi khí hậu, môi trường mà còn về kinh tế, xã hội, văn hóa

Tức là thông qua kho dữ liệu chung này, chúng ta có bức tranh nhiều tầng, nhiều lớp, đa diện và tổng hợp về ĐBSCL. Vì bất kỳ chính sách nào cũng liên quan đến các lĩnh vực ấy chứ không chỉ một vài lĩnh vực.

Như thế chúng ta sẽ tạo ra một kho dữ liệu chung để những người quan tâm có thể truy cập vào như nhà khoa học, người làm chính sách, các tổ chức cộng đồng, hay người dân nếu cần cũng có thể truy cập được. Đúng là nhu cầu ấy rất lớn. Trong chừng mực và năng lực của trường có thể, sẽ cố gắng xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống tri thức ấy để góp phần cho kho dữ liệu, tri thức chung của đồng bằng” – TS Tự Anh cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm