Trường Đại học Fulbright Việt Nam: 5 thách thức cho ĐBSCL phát triển

(PLO)-  Trường Đại học Fulbright Việt Nam có dự án nghiên cứu về ĐBSCL để tìm những giải pháp căn cơ cho vùng trước những thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-6, đoàn khảo sát của Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã làm việc với UBND TP Cần Thơ liên quan đến dự án nghiên cứu (trong 5 năm) mà trường này đang tiến hành về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đoàn khảo sát của Trường Đại học Fulbright làm việc với UBND TP Cần Thơ ngày 1-6. Ảnh: NHẪN NAM

Đoàn khảo sát của Trường Đại học Fulbright làm việc với UBND TP Cần Thơ ngày 1-6. Ảnh: NHẪN NAM

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright thuộc Trường Đại học Fulbright Việt Nam, ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức về mặt kinh tế.

“Nói một cách ngắn gọn thì ĐBSCL đang bị tụt hậu khá xa so với Đông Nam bộ, thậm chí so với cả nước”- ông nói.

Về mặt xã hội, tỉ lệ hộ nghèo, tiếp cận y tế, di dân cũng là những vấn đề nhức nhối. Về mặt môi trường thì đứng trước thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, suy giảm nguồn nước…

Trung ương đã dành sự ưu tiên cao hơn cho vùng như Nghị quyết 120, quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL. Với vai trò thủ phủ miền Tây, Cần Thơ có vai trò quan trọng nhất.

“Chúng tôi rất mong Cần Thơ đi đầu trong các nỗ lực phối hợp với các địa phương trong vùng, phối hợp với cộng đồng quốc tế cũng như các nhà khoa học để cùng nhau tìm ra giải pháp căn cơ cho ĐBSCL trước những thách thức” – TS Tự Anh nói.

Về nội dung nghiên cứu, TS Tự Anh cho biết có 5 nội dung. Gồm, tìm kiếm một lối đi mới về nông nghiệp cho vùng ĐBSCL, gọi là chuyển đổi nông nghiệp gắn với sinh kế bền vững và bảo vệ môi trường. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu.

Hai là tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới của ĐBSCL, trong đó có năng lượng.

Ba là tìm kiếm cách thức để quản trị rủi ro (về biến đổi khí hậu, nguồn nước thượng nguồn, thiên tai khác như COVID-19).

Bốn là liên kết vùng và năm là kiến thức quản lý chuyên môn giúp giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái của ĐBSCL.

Tại cuộc làm việc, đoàn đã tìm hiểu về tiến độ triển khai những giải pháp của TP trong thực hiện Nghị quyết 120; vướng mắc lớn nhất khi khi triển khai Nghị quyết 120; quy hoạch vùng; nhận xét về tính khả thi của dự án chuỗi năng lượng trên địa bàn…

Theo đó, đại diện các sở, ngành liên quan đã trả lời các nội dung mà đoàn muốn tìm hiểu. Cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, khó khăn lớn nhất cũng là điểm nghẽn khi thực hiện Nghị quyết 120 của vùng là về hạ tầng giao thông (gồm cả đường bộ, đường thủy, hàng không). Điểm nghẽn thứ hai là tính liên kết vùng chưa rõ…

Ông Hiển đánh giá qua trao đổi, TP hiểu thêm về mục đích, yêu cầu, mục tiêu của dự án nghiên cứu. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong các lĩnh vực để sắp tới trong công tác quản lý có những chính sách, chiến lược, giải pháp phù hợp, làm sao phục hồi và phát triển kinh tế TP sau đại dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm