1. Đất quê
Tôi về quê dự đám giỗ, nghe ai đó bàn bên kể chuyện hôm bữa vác cuốc ra đồng định nhổ cỏ trồng đậu thì thấy xe máy ô tô ầm ầm đổ về. Chủ đất, người mua thi nhau hét giá đất khiến không còn ruột gan nào bổ cuốc trồng cây.
Cũng cánh đồng này, vào mùa này năm ngoái đậu phụng đã xanh um. Vậy mà năm nay cỏ mọc lút đầu vì chủ đất mải mê nghe ngóng giá đất. Đất đang “hot” mà.
Miếng đất không đường đi riêng, mặt hướng ra cánh đồng nhà bên cạnh có giá ba mươi sáu triệu một mét vuông sau khi sang tay hai chủ. Tôi tò mò hỏi người mua là ai, ở đâu tới vậy, họ làm gì? Trả lời: Không biết! Chỉ biết là tiền đất đã được “xuống” đủ.
Đám giỗ nhà quê chừ đơn giản lắm. Các bà các chị chẳng nấu nướng gì nhiều, toàn đặt dịch vụ. Đến giờ kéo bàn kéo ghế, mâm bát dọn sẵn, bàn mười người. Cứ thế mà “chiến”.
Các bà các cô lăng xăng phục vụ tí nước nôi, mời chào khách khứa. Chủ nhà xăng xái mời tôi đi xem... đất. Đã lên chức bà cố tới nơi vẫn được chia đất của ông ngoại. Nghĩa là khi đất có giá rờ vào nóng bỏng tay thì hang hốc nào cũng có thừa kế.
Đất quê đang thay đổi. Những cánh đồng cỏ hoang mỏi mệt trong nắng mang tâm trạng chờ đợi. Những ngôi nhà cũ tạm bợ không cổng, không ngõ, nền đất nện nằm bên cạnh những hàng rào dài kiên cố của những chủ đất mới. Họ từ nơi khác đến, sau những thỏa thuận bán mua.
Vậy ra đất phố hết thiệt, đất quê gặp thời lên giá. Hay là đất đang về đúng giá trị cho những người nông dân không làm ruộng?
2. Nhà phố
Chẳng hạn bạn cho mình là người ngoài cuộc trước sự chao đảo của giá đất đai, nhà cửa. Chợt một bữa người quen thầm thì: Ủa, bán nhà à, đâu có, ai nói, sao thấy đăng trên trang bất động sản gì gì đó...
Thế rồi bạn gõ từ khóa, dò tìm đường link. Thiệt, ai đó đã chụp hình nhà bạn đăng một cái tin rất lơ mơ: Bán nhà ba tầng đường..., cách đường... 50m, sổ đỏ chính chủ, liên hệ số điện thoại...
Bạn hơi hốt hoảng, điện thoại theo số chỉ dẫn, người bắt máy trả lời giọng nghe rất “sếp”: -Ah, dạ, chắc mấy đứa chụp hình... sory chị, để đó em gỡ xuống...
Bạn sẽ làm gì với những thông tin vậy. Giận dữ ư, lỗi của “thằng đánh máy” là có thật, anh chàng chụp hình săn cái ảnh góc phố làm sao cho lên trang đẹp, bắt mắt, nhìn góc nhà đẹp. Ờ mà bạn quên là xem tin rất là mơ hồ, mà đã bán mua gì đâu mà cau có, món hàng còn lăn qua lăn về chán.
Chủ nhân ngôi nhà được xin lỗi do góc chụp, được giãi bày là vì “đứa chụp hình” nghe cũng êm êm. Chớ cái sàn bất động sản đó nghe đọc địa chỉ nghe như tuốt ngoài Hà Nội, biết đâu đấy. Nghe điện thoại là mừng lắm rồi, gọi đến ò í e... mới sốt.
Xã hội mà, xu hướng mà, đâu thể tránh nổi, đâu thể ngoài cuộc. Dù bạn có không muốn cũng phải tìm cách sống chung thôi.