Hơn chục năm nay, hơn 500 hộ dân tại phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) không được hợp thức hóa nhà, đất do nằm trong quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp (KCN) Tân Bình. Đến lúc được xóa quy hoạch thì mỗi hộ phải đóng tiền sử dụng đất “khủng”.
Tính tiền đất ở như đất sản xuất, kinh doanh
Khoảng năm 2000, 2001, hàng trăm hộ dân đã mua đất ở phường Bình Hưng Hòa, huyện Bình Chánh (nay là quận Bình Tân) nhưng sau đó vướng vào quy hoạch mở rộng KCN Tân Bình.
Năm 2005, quy mô KCN này được thu hẹp. Đến năm 2007, người dân được xem xét cấp giấy tờ nhà, đất. Tuy nhiên, từ năm 2010, cơ quan chức năng ngưng giải quyết hoặc nếu người dân nào muốn cấp giấy thì phải nộp tiền sử dụng đất cao ngất ngưởng.
Ông Trần Văn Đó cho biết ông nộp hồ sơ xin hợp thức hóa diện tích nhà, đất khoảng 86,5 m2 vào năm 2011. Ông Đó chạy đi chạy lại nhiều lần song không được đóng tiền sử dụng đất, trong khi giấy hồng thì đã có sẵn ở quận. Đến năm 2015, ông nhận được giấy thông báo đóng thuế mới tá hỏa khi biết mình phải đóng tiền sử dụng đất hơn 726 triệu đồng.
Cụ thể, Chi cục Thuế quận Bình Tân thông báo ông Đó phải lựa chọn hình thức đóng tiền sử dụng đất theo hình thức giao đất ở mới chứ không phải chuyển mục đích. Hệ số điều chỉnh giá đất là 1,6 lần nhân với bảng giá đất năm 2015 sẽ ra số tiền như trên. “Tôi mua nhà, đất này của người dân chứ không phải Nhà nước giao. Ngoài ra, tôi nộp hồ sơ xin hợp thức hóa từ năm 2011 thì không thể áp bảng giá đất của năm 2015 để bắt tôi nộp số tiền cao như vậy” - ông Đó phản ứng.
Nhiều người dân bức xúc vì phải đóng tiền sử dụng đất cao bất hợp lý. Ảnh: VIỆT HOA
Tương tự, ông Phạm Văn Cừ (ngụ 46/27 đường số 18, phường Bình Hưng Hòa) cũng nhận được thông báo lựa chọn hình thức đóng thuế theo hình thức giao đất ở mới và áp dụng bảng giá năm 2015. Như vậy, số tiền ông Cừ phải nộp cho căn nhà 63,5 m2 là hơn 420 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Viễn cũng phải nộp hơn 437 triệu đồng cho căn nhà 68 m2…
Ngoài ra, rất nhiều người dân khu vực này cho biết hiện họ cũng đang mong được đóng tiền sử dụng đất theo đúng tình trạng pháp lý đất đai của họ để sớm được cấp giấy tờ nhà, đất, ổn định cuộc sống.
“Thấy bất hợp lý nên tạm ngưng”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Quang Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Bình Tân, cho biết do khu đất nêu trên trước đây nằm trong quy hoạch dự án KCN Tân Bình mở rộng được Thủ tướng duyệt và giao đất nên bản chất vẫn là đất Nhà nước giao cho doanh nghiệp. Dù được điều chỉnh quy hoạch nhưng do chưa có quyết định điều chỉnh ranh đất nên năm 2009, Chi cục Thuế quận Bình Tân đã áp dụng Nghị định 69/2009 tính tiền sử dụng đất theo hình thức giao đất.
“Chúng tôi dựa vào thông tin địa chính của quận Bình Tân làm căn cứ tính tiền sử dụng đất cho họ theo hình thức giao đất ở mới. Sau đó, chúng tôi nhận thấy thực tế khu vực này không phù hợp để áp dụng nghị định trên nên tạm ngưng giải quyết” - ông Phúc giải thích.
Năm 2011, quận Bình Tân có quyết định về giao đất ở trong khu vực chỉnh trang của dự án đầu tư khu dân cư - KCN Tân Bình mở rộng thuộc phường Bình Hưng Hòa. Từ đó, cơ quan thuế tiếp tục tính theo mức giá giao đất ở mới nhưng thấy không hợp lý nên đã dừng. “Chúng tôi cũng nhận thấy vướng mắc khi áp dụng Quyết định 35/2015 của UBND TP thì tiền sử dụng đất người dân đóng quá cao. Vì vậy, khi người dân đề nghị được đóng tiền sử dụng đất thì chúng tôi chỉ làm biên bản ghi nhận chứ chưa thu tiền” - ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, mới đây UBND quận Bình Tân họp với Chi cục Thuế và các đơn vị liên quan giải quyết vướng mắc trên. Sau đó, quận có kiến nghị Sở TN&MT xử lý. Theo đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay là do chưa có quyết định điều chỉnh ranh đất nên chưa có cơ sở tính tiền sử dụng đất cho người dân. Vì vậy, sau khi TP điều chỉnh ranh đất, nhà, đất nào không còn nằm trong ranh đất KCN thì sẽ được tính tiền sử dụng đất theo hình thức chuyển mục đích sử dụng đất. Thời điểm tính tiền sẽ áp dụng từ khi người dân nộp hồ sơ được xét duyệt.
Năm 2002, Thủ tướng chấp thuận cho Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình (Tanimex) mở rộng KCN Tân Bình thành gần 69 ha. Trong thời điểm này, khu đất thuộc quy hoạch đã bị phân lô, bán nền và xây dựng bất hợp pháp. Tanimex đề xuất thu hẹp dự án còn hơn 24 ha. Phần còn lại thì chuyển thành đất ở để tránh giải tỏa gần 400 căn nhà và gần 1.000 nền đất đã được phân lô. Năm 2005, Thủ tướng chấp thuận. Phần diện tích đất cắt ra khỏi ranh KCN trong đó có một phần làm khu dân cư chỉnh trang (nơi nhiều hộ dân đang gặp khó khăn như đã nêu), một phần làm khu xây dựng mới để phục vụ tái định cư và phần còn lại thì làm khu lưu trú công nhân. _____________________________ Chúng tôi đã nhận được hồ sơ điều chỉnh ranh của Tanimex và vừa mới có tờ trình gửi UBND TP xem xét để ban hành quyết định điều chỉnh ranh dự án KCN Tân Bình mở rộng. Sau khi UBND TP có quyết định thì các quyền lợi về nhà, đất của người dân không nằm trong ranh KCN sẽ được giải quyết bình thường theo quy định. Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở TN&MT |