Theo quyết định của liên bộ Công Thương - Tài chính, giá bán lẻ xăng dầu từ ngày 2-4 tăng gần 1.500 đồng/lít. Cụ thể, mỗi lít xăng E5 tăng thêm 1.377 đồng, lên mức 18.588 đồng; xăng A95 tăng 1.484 đồng, lên mức 20.033 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 1.086-1.219 đồng/lít, kg tùy loại.
Giá hàng hóa có nguy cơ nhảy múa
Ngay sau khi xăng dầu tăng giá sốc, nhiều bà nội trợ lo lắng giá hàng hóa trong những ngày tới có thể sẽ tăng theo giá xăng dầu, tác động lớn đến chi tiêu hằng ngày của mọi người.
Chị Ánh Ngọc (quận 12, TP.HCM) nói: “Giá điện mới tăng hơn 8%, giờ lại thêm giá xăng tăng sẽ đẩy giá hàng hóa như rau, thịt, cá… tăng theo. Đáng lo nhất là hiệu ứng tăng giá dây chuyền, té nước theo mưa. Như vậy chi phí sinh hoạt sẽ tăng lên rất cao, người dân chịu sao nổi”.
Anh Nguyễn Tuấn, tài xế Grab, than thở giá xăng tăng mạnh khiến giới tài xế chạy dịch vụ gặp khó khăn. Sau giá điện đến giá xăng tăng khiến gia đình anh mỗi tháng phải chi thêm mấy trăm ngàn đồng. Đây là số tiền không nhỏ với những gia đình lao động bình thường.
“Mỗi ngày kiếm được hơn 1 triệu đồng cũng khá khó khăn nhưng phải trả gần 30% cho phía Grab. Trừ tiền xăng khoảng 300.000 đồng/ngày, chi phí cầu đường,… tài xế chỉ còn kiếm được khoảng 400.000 đồng. Thế nhưng nay giá xăng lại tăng nữa thì thu nhập thực tế càng giảm hơn” - anh Tuấn buồn rầu nói.
Tiểu thương ở một số chợ tại TP.HCM cũng cho hay giá hàng hóa sẽ không tăng ngay sau khi giá xăng dầu tăng mà có độ trễ. Tuy nhiên, tới đây giá rau củ quả và nhiều mặt hàng khác chắc chắn sẽ tăng bởi cước phí vận chuyển những mặt hàng này tăng theo giá xăng dầu.
Nhiều ý kiến cho rằng các phiên điều hành giá xăng dầu thời gian qua của cơ quan chức năng không phản ánh đúng nhịp điệu thị trường. Ảnh: HOÀNG GIANG
Doanh nghiệp lo sốt vó
Ông Bùi Danh Liên, đại diện HTX vận tải Thăng Long, nhìn nhận xăng dầu tăng giá, ngành vận tải sẽ phải chịu tác động đầu tiên và mức tác động sẽ rất lớn bởi chi phí nhiên liệu chiếm đến 35% giá cước vận tải.
“Tiếp đó, các ngành có sử dụng dịch vụ vận tải nhiều như nông nghiệp, du lịch… cũng sẽ phải chịu ảnh hưởng nếu ngành vận tải tăng giá theo giá xăng” - ông Liên dự báo.
Không chỉ các doanh nghiệp vận tải, các doanh nghiệp thép, xi măng… cũng đã bắt đầu “ngấm” tác động của việc tăng giá xăng dầu và điện. Đặc biệt khi chi phí sản xuất của doanh nghiệp Việt tăng sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Chưa kể hàng ngoại nhập giá rẻ hơn sẽ tràn vào cạnh tranh với các công ty trong nước.
Mới đây, hàng loạt nhà sản xuất xi măng đã có thông báo tăng giá bán xi măng. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam thông báo giá xi măng bao tăng thêm 50.000 đồng/tấn và xi măng rời tăng thêm 40.000 đồng/tấn.
Lý giải nguyên nhân tăng giá bán, các đơn vị này cho biết do chi phí nguyên vật liệu đầu vào sản xuất xi măng đồng loạt tăng giá, trong đó có giá điện, xăng dầu.
Điều hành giá xăng kiểu giật cục
Bộ Công Thương lý giải việc điều chỉnh giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 2-4 xuất phát từ giá thế giới trong 15 ngày qua ở mức cao. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính điều chỉnh thuế nhập khẩu bình quân gia quyền của quý II ở mức cao hơn quý I đã tác động đến giá cơ sở xăng dầu.
Tuy nhiên, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nêu quan điểm: Cách điều hành giá xăng dầu trong hai kỳ vừa qua rất giật cục, không hài hòa, không hợp lý.
“Đáng lẽ ra trong kỳ điều hành giá xăng dầu trước đó (ngày 18-3), hai bộ Công Thương, Tài chính nên cho tăng giá 300-500 đồng/lít, kết hợp với xả quỹ bình ổn trong bối cảnh giá thế giới tăng cao chứ không nên ổn định, sau đó tăng sốc vào ngày 2-4” - ông Long nói.
Ông Long cũng nêu thực tế nhà điều hành chưa sử dụng hết các công cụ, “van” điều tiết một cách hợp lý. Trong điều hành giá xăng dầu có ba công cụ: giá, thuế phí và quỹ bình ổn. Nhưng trong điều kiện cụ thể vừa qua, Bộ Công Thương chỉ sử dụng công cụ quỹ bình ổn mà không tính đến phương án giá.
“Việc Bộ Công Thương chỉ sử dụng một công cụ quỹ bình ổn đã làm giá trong nước không sát với giá thế giới, không có sự hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng” - ông Long nói.
Cũng theo ông Long, trong tháng 4 này, việc điều hành chỉ số giá tiêu dùng trong hai tháng tới đây sẽ là thách thức rất lớn bởi ngoài giá xăng dầu tăng, người dân và doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm chi phí giá điện. Chưa kể đến tháng 4 có nhiều ngày nghỉ lễ, giá hàng hóa sẽ được dịp tăng lên.
Đồng quan điểm, một chuyên gia khác cũng nhìn nhận cách điều hành giá xăng thời gian gần đây có vấn đề. Đặc biệt sai lầm của kỳ điều hành giá xăng cách đây nửa tháng (ngày 18-3) khi cố chi quỹ bình ổn quá lớn để giữ giá bán lẻ khiến thị trường xăng dầu nén quá mức, nay tăng sốc kéo theo các mặt hàng khác tăng giá và khó lòng kiểm soát.
“Đáng lẽ giá xăng phải tăng cao hơn” Trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 2-4 ngay sau khi giá xăng dầu tăng sốc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói: “Trước tiên, chúng tôi chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cũng như người dân nhưng chúng ta nên biết hiện quản lý điều hành giá xăng dầu thành phẩm theo thị trường có sự định hướng của Nhà nước”. Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, ngày 18-3 vừa qua, giá xăng dầu thế giới đã tăng nhưng Chính phủ quyết định không tăng giá xăng, do đó phải dùng quỹ bình ổn xăng dầu để bù. Ví dụ xăng E5 bù 2.800 đồng/lít, xăng A95 bù 2.000 đồng/lít để giữ giá. Nhưng sau 15 ngày giá xăng vẫn tiếp tục tăng, vì vậy hôm 2-4 phải tăng, đây là điều không ai muốn. “Nếu không bù, mức tăng có thể cao hơn. Ví dụ với xăng A95, quỹ bình ổn phải bù 1.304 đồng/lít để mặt hàng này “chỉ tăng” 1.484 đồng/lít, nếu không sẽ phải tăng 2.788 đồng/lít. Đây chính là các biện pháp điều tiết của Nhà nước” - Thứ trưởng Hải nói. Người tiêu dùng lãnh đủ Ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thép VN (VSA), đánh giá trong hơn 10 ngày xăng dầu và điện cùng tăng giá đã tác động rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thép tiêu thụ hàng trăm tấn xăng dầu và hàng triệu kWh điện thì việc tăng giá sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, giá thành.
“Giá điện tăng sẽ khiến giá thép tăng thêm 100.000 đồng/tấn sản phẩm, bây giờ giá xăng dầu tăng sẽ chồng gánh nặng chi phí giá thành và cuối cùng người tiêu dùng phải chịu” - ông Khải nhấn mạnh. |