Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), ngày 28-10 cho biết như trên trước những băn khoăn của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên bước đầu thực hiện Thông tư 30/2014 về đánh giá học sinh tiểu học.
Trước một số băn khoăn trong những ngày đầu thực hiện thông tư nêu trên, chẳng hạn một số giáo viên chuyên biệt (âm nhạc, mỹ thuật, thể dục) cho rằng sẽ phải viết nhận xét rất nhiều nên vất vả, mất thời gian; một bộ phận giáo viên thì làm đối phó, khắc dấu gỗ để đóng thay cho nhận xét..., ông Định cho rằng có thể do các trường, giáo viên chưa hiểu đúng tinh thần, hiểu máy móc nội dung thông tư, vẫn còn hiện tượng một số trường còn yêu cầu giáo viên sử dụng các hồ sơ, sổ sách ngoài quy định.
Ông Định cũng lưu ý hiện có một số điểm của thông tư mà nhiều giáo viên vẫn chưa hiểu đúng hoặc chưa được truyền đạt đúng. Cụ thể, giáo viên được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, có thể bằng lời nói hoặc là viết phù hợp với học sinh và nhà trường. Bộ GD&ĐT không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hằng tháng. Tùy hoàn cảnh để có nhận xét xác đáng, kịp thời, khích lệ và làm các em hứng thú học tập.
Liên quan đến gánh nặng sổ sách, ông Định cho biết một giáo viên dạy một hay nhiều môn có thể chỉ cần một cuốn sổ (sổ bằng giấy hoặc điện tử) theo dõi chất lượng giáo dục. “Mẫu sổ theo dõi chất lượng giáo dục do Bộ GD&ĐT hướng dẫn chỉ là gợi ý, không bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo mẫu đó” - ông Định khẳng định. Vụ Giáo dục tiểu học sẽ có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT các tỉnh, thành chỉ đạo thực hiện hồ sơ, sổ sách hợp lý. “Việc gì làm để đối phó, hình thức thì kiên quyết bỏ, việc nào làm thực chất có lợi cho học sinh thì tiếp tục làm” - ông Định cho biết.
“Cùng với hướng dẫn đổi mới đánh giá học sinh, Bộ cũng hướng dẫn các trường tổ chức vào cuối năm học việc nghiệm thu chất lượng giáo dục, bàn giao học sinh lớp dưới lên lớp trên, học sinh tiểu học lên THCS” - ông Định nói thêm.
HUY HÀ