DU LỊCH MIỀN TÂY NGỦ QUÊN TRÊN “MỎ VÀNG” - BÀI CUỐI

Đánh thức “cô gái miệt vườn” ngủ quên

Hiện nay các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã bắt đầu xây dựng chiến lược, định hướng phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp không khói.

Du khách bắt ba khía với nông dân

Khác với nhiều tỉnh, thành ĐBSCL, Cà Mau chọn hướng du lịch sinh thái cộng đồng làm thế mạnh trong chiến lược phát triển du lịch lâu dài của tỉnh.

Ông Trần Xuân Trường, Trưởng phòng Du lịch Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, cho hay: “Tỉnh xác định lấy du lịch sinh thái làm thế mạnh để tập trung đầu tư phát triển. Trong đó, tỉnh chọn mô hình du lịch sinh thái cộng đồng làm mũi nhọn, nét đặc trưng của du lịch tỉnh nhà”. Theo định hướng trên, thời gian gần đây, nhiều nông dân địa phương được tiếp cận phương pháp làm du lịch nhà vườn thông qua các cuộc tham quan, tập huấn do tỉnh tổ chức.

Kết quả, đến nay đã có hàng chục hộ nông dân ở vùng đệm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh Hạ đã biết cách làm du lịch, biết cách “chiều” du khách. Anh Nguyễn Thanh Lâm, quê Sóc Trăng, sau một lần trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng ở Cà Mau nhận xét: “Tôi và hai người bạn vừa trở về từ Đất Mũi. Qua một đêm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân, chúng tôi thấy rất thú vị. Chúng tôi được đi đặt lú bắt cá, tôm, cua... cùng với nông dân. Sau đó cùng ngồi nướng chúng và nhậu chung với nông dân ngay tại đầm tôm. Qua sự trải nghiệm mới mẻ này, tôi cảm nhận được đời sống của nông dân dù vất vả nhưng cũng đầy thú vị. Nghề nào cũng có cái khổ, cái sướng riêng của nó”.

Ông Trần Xuân Trường lý giải thêm: “Riêng ở Đất Mũi hiện đã có nhiều nhà vườn làm du lịch như chú Tư Nhuần, chú Chín, chú Hướng, chú Tuấn, chú Ngải. Tất cả họ được chúng tôi tổ chức cho đi tham quan cách làm du lịch ở nhiều nơi, được chỉ cách làm. Bây giờ những hộ này còn nuôi tôm, cua chủ yếu để bán cho khách du lịch thưởng thức”.

Do đây là một hướng đi mới, thời gian phát triển chưa lâu nên lượng khách đến với loại hình du lịch này vẫn chưa nhiều. Tuy vậy, ông Trường tự tin: “Chúng tôi đã cùng đi, hòa nhập với các đoàn lữ hành và ghi nhận được họ rất thích thú với sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng. Từng có nhiều đoàn đi theo chủ nhà bắt ba khía đến quá nửa đêm, không chịu về vì thích thú và mới lạ. Chúng tôi tin tưởng loại hình du lịch này sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai không xa”.

Chợ nổi Cái Răng đã tồn tại hơn 100 năm với những nét văn hóa đặc thù và độc đáo của cư dân miền sông nước Cửu Long.

Đảo Thổ Chu dù xa đất liền nhưng vẫn hấp dẫn du khách.  Ảnh: GIA TUỆ

Tìm hướng đi riêng

Không chỉ Cà Mau mà một số địa phương khác cũng đang quẫy cựa để tạo nét riêng cho du lịch địa phương mình. Ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hậu Giang, cho hay tỉnh đã định hướng chính sách phát triển du lịch theo hướng lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái miệt vườn và cảnh quan sông nước. Trong đó, Hậu Giang đang hướng đến sản phẩm đặc thù du lịch nông nghiệp-nông thôn và du lịch cộng đồng.

Đồng Tháp cũng đang cố gắng tạo dựng để du lịch tỉnh này có những nét chấm phá riêng, khác biệt. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, thừa nhận: “Đặt mình trong bối cảnh chung của du lịch ĐBSCL và cả nước, chúng tôi nhận thức được rằng bước khởi đầu là vô cùng gian nan trong hành trình dài đi tìm kiếm sự thành công trong ngành công nghiệp không khói này, bởi điều kiện về kết cấu hạ tầng du lịch còn khó khăn, nhân lực, sản phẩm, dịch vụ du lịch còn hạn chế; công tác truyền thông, quảng bá còn thiếu tính chuyên nghiệp”.

Ông Lê Minh Hoan nhìn nhận rằng tiềm năng du lịch Đồng Tháp không ai có thể phủ nhận nhưng mãi mãi vẫn là tiềm năng nếu không biết đánh thức nó bằng những suy nghĩ mới, ý tưởng mới và hành động mới. “Trên tinh thần cầu thị, năng động, sáng tạo, hiếu khách, dám dũng cảm vượt khó để đi lên, Đồng Tháp đang mong muốn mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư để cùng chung tay, góp sức đưa ngành du lịch non trẻ của tỉnh phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có” - ông Hoan nhấn mạnh.

Định hướng phát triển du lịch của Cần Thơ trong thời gian tới là tăng cường quảng bá để thu hút khách quốc tế và khách các vùng miền. “Sở đang tham mưu cho UBND TP phát triển tour du lịch đường sông. Đồng thời đang có kế hoạch rà soát nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là tại các cơ sở lưu trú du lịch. Xây dựng các tiêu chí để hướng dẫn các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống, mua sắm đăng ký cơ sở đạt chuẩn nhằm phục vụ du khách đến địa phương” - bà Nguyễn Hoàng Diễm, Trưởng phòng Quản lý du lịch Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ, cho hay.

Xây dựng thương hiệu du lịch miền Tây

Dù các địa phương miền Tây khẳng định đã có nhiều nỗ lực nhằm kéo du khách nhưng bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch Vietravel, khuyến nghị miền Tây cần tập trung phát triển du lịch sông nước, miệt vườn thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng và cả nước. Gắn kết chặt chẽ phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, đặc biệt coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng. “Song song đó cần phát triển thị trường du lịch, sản phẩm và xây dựng thương hiệu du lịch cho miền Tây” - bà Hương gợi ý.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Marketing Công ty TST Tourist, đánh giá du lịch miền Tây cũng đã có nhiều hình thức quảng bá nhưng chưa phong phú. Do vậy cần có chiến lược liên kết chung của vùng, có kế hoạch xúc tiến chuyên nghiệp và theo từng chuyên đề, chẳng hạn tổ chức tuần ẩm thực, nghệ thuật diễn xướng, trò chơi dân gian, xúc tiến sản phẩm, chương trình khuyến mãi… ở các thị trường khách chính như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM, Singapore, Nhật Bản.

“Vấn đề quan trọng nhất và cũng cốt lõi chính là sản phẩm du lịch phải có sự hấp dẫn, mới lạ và độc đáo trên cơ sở nghiên cứu lợi thế so sánh với các thị trường đồng dạng, ví dụ Thái Lan” - ông Mẫn gợi ý.

PGS-TS Nguyễn Duy Cần, ĐH Cần Thơ, nhận định ĐBSCL là vựa lúa, vựa trái cây, thủy sản của cả nước và đây cũng chính là tiềm năng, thế mạnh để khai thác du lịch nông thôn. “Du lịch ở ĐBSCL nhờ lợi thế thiên nhiên ưu đãi cho sẵn cảnh quan sông nước, rồi khai thác và khai thác đến cạn kiệt. Điều này rất dễ thấy ở các mô hình du lịch sinh thái đồng bằng, ban đầu cảnh quan đẹp, khách đến rất đông nhưng không đầu tư khiến môi trường sinh thái sớm xuống cấp và không còn hấp dẫn du khách. Do vậy, du lịch phải đầu tư thì mới khai thác bền vững, có đầu tư thì mới có cái để khai thác”.

Ông Cần cũng chỉ ra ví dụ điển hình du lịch nông nghiệp bảo tồn rừng nguyên sinh ở vùng đông bắc Thái Lan, khi ngành du lịch hợp tác chặt chẽ với ngành lâm nghiệp để bảo tồn rừng và phát triển thành công du lịch. Và họ đã thành công. Đó có thể là một kinh nghiệm tốt cho những người làm du lịch miền Tây.

Bảo tồn chợ nổi Cái Răng

Cần Thơ đã thông qua đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”. Đề án có kinh phí khoảng 80 tỉ đồng. Mục tiêu của đề án là bảo tồn và phát triển chứ không can thiệp sâu vào hiện trạng tự nhiên của chợ nổi và thêm một số dịch vụ để ngày càng thu hút khách. Đơn cử như xây dựng đài quan sát. Theo đó, trạm dừng chân ở gần chợ có đài quan sát để du khách có thể lên nhìn toàn cảnh chợ, có quầy lưu niệm và nơi chụp ảnh. Ngoài ra TP ưu tiên bố trí 10 tỉ đồng để người dân có nhu cầu buôn bán ở chợ nổi đầu tư phương tiện, mặt hàng để phục vụ du khách. Ngoài ra sẽ tiến hành đầu tư các hạ tầng phụ trợ như cầu tàu chợ nổi, nhà vệ sinh công cộng, du thuyền.

Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) từng bình chọn chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới và được mô tả là điểm đặc biệt lạ mắt với các thuyền bán hàng “rực rỡ sắc màu nhiệt đới”.

Hướng dẫn dân làm du lịch

Từng hướng dẫn nhiều đoàn đi du lịch, bà Bùi Thị Ngọc Phương, giảng viên ngành văn hóa du lịch khoa Văn hóa nghệ thuật Trường ĐH An Giang, cho rằng Đà Nẵng là một trong những nơi làm du lịch khá tốt. “Họ không chỉ thu hút được nhà đầu tư mà còn hướng dẫn cho người dân TP Đà Nẵng cùng làm du lịch chứ không chỉ riêng những người làm trong ngành du lịch mới được tập huấn, hướng dẫn”- bà Phương dẫn ví dụ này như một kinh nghiệm để miền Tây có thể tham khảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới