Đánh thức đất 'kim cương'

(PLO)- Nghị quyết 54 cho phép TP được hưởng 50% khoản thu khi bán tài sản công gắn liền đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn nhưng chưa thực hiện được vì các cơ quan trung ương chưa có sự phối hợp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TP.HCM đang “khát” đất đai và vốn để đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nhưng những biện pháp để giải “cơn khát” này phần nhiều vẫn là đề xuất. Trong khi đó một diện tích lớn đất “kim cương” đang ngủ im hoặc được sử dụng không hết công năng.

Sau hai năm vật lộn với đại dịch, TP.HCM cùng cả nước lại đối mặt với khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp. Bão giá cùng với khủng hoảng năng lượng, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng do xung đột Nga - Ukraine đang kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và Việt Nam không phải ngoại lệ.

TP.HCM phải phát huy nội lực trong bối cảnh quỹ đất để thu hút đầu tư đã gần cạn, chi phí thuê mặt bằng cao; nguồn ngân sách quá hạn hẹp so với nhu cầu sử dụng. Năm năm tới, TP cần tới hàng triệu tỉ đồng cho đầu tư công mà vốn ngân sách dành cho việc này chỉ hơn 30.000 tỉ đồng.

Mỗi năm TP chỉ chi cho đầu tư phát triển khoảng 30.000 tỉ đồng, trong khi để đáp ứng nhu cầu này cần khoảng cả trăm ngàn tỉ đồng/năm.

Nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của TP được trung ương phê duyệt là 140.000 tỉ đồng nhưng chỉ phân bổ cho các dự án của nhiệm kỳ trước (giai đoạn 2016-2020), mà chưa thể bố trí cho bất cứ dự án nào của nhiệm kỳ này.

Các cơ quan chức năng và đội ngũ chuyên gia của TP đã vạch ra hàng loạt giải pháp để khai thông điểm nghẽn kinh tế như: Phát triển công nghệ cao, đẩy mạnh kinh tế số, xây dựng trung tâm tài chính toàn cầu… Đó đều là những chiến lược dài hơn, trong khi khó khăn đang dồn dập gõ cửa từng ngày. Một quỹ đất lớn, một nguồn vốn khổng lồ đang nằm im tại các cơ quan trung ương trên địa bàn TP và nếu được khai thác quyết liệt sẽ góp phần quan trọng giải bài toán trên.

Lợi ích của những khu nhà đất ở vị trí đắc địa này không chỉ là hàng tỉ USD từ việc bán đấu giá mà là khả năng thu hút đầu tư, tạo đòn bẩy lâu dài cho kinh tế - xã hội TP.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều bộ, ngành, đơn vị tiếp quản các cơ quan tương ứng tại TP.HCM và lập văn phòng phía Nam với tổng diện tích lên tới hàng triệu mét vuông. Trong suốt nhiều thập niên qua, nhiều khu nhà đất thuộc diện này được sử dụng làm văn phòng để thỉnh thoảng tổ chức họp hoặc chỉ để đón đoàn công tác từ trung ương vào, hoặc cho thuê, hoặc thậm chí bỏ hoang, gây ô nhiễm môi trường…

Đã có một số khu đất được bán cho nhà đầu tư, chuyển đổi công năng sử dụng nhưng phần lớn diện tích vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên địa bàn TP.

Nghị quyết 54 đã cho phép ngân sách TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP. Đây là cơ chế mà TP đã lên tiếng rất nhiều mới có. Tuy vậy, vẫn chưa thực hiện được cơ chế này vì các cơ quan trung ương chưa có sự phối hợp.

Một số ý kiến cho rằng cần sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ để các bộ, ngành khẩn trương rà soát, phân loại, sắp xếp những khu này theo từng diện; giữ lại và bán đấu giá, từ đó báo cáo để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm. Sau khi được phê duyệt, TP phối hợp cùng các cơ quan trung ương nhanh chóng tổ chức bán đấu giá.

Những đề xuất này cần được xây dựng thành điều khoản cụ thể trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 kèm theo chế tài để các bên liên quan buộc phải hợp tác vì lợi ích lâu dài của TP, cũng là của đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm