Ba người đàn ông gọi cho tôi khi tôi đang chạy xe từ quê lên thành phố, giọng gấp gáp: Luật sư có thể trợ giúp pháp lý cho người phụ nữ ở Đà Nẵng bị chồng đánh đập, bạo hành man rợ trước mặt con trẻ mình không? Tôi trả lời “sẵn sàng” và dừng xe bên vệ đường để xem clip cùng nội dung bản tin mà các anh gửi cho tôi.
Nếu không phải là người làm việc trong mảng pháp lý, cần đọc, nắm thông tin cho công việc, tôi thực sự không dám xem hết clip hay đọc bài liên quan đến việc chồng đánh vợ đến mức tàn nhẫn thế này.
Là một phụ nữ, tôi phẫn nộ tột cùng khi xem những nội dung như thế này. Và tôi hiểu nỗi căm phẫn của ba người đàn ông làm báo vừa gọi “méc” tôi ca bạo hành không thể dung thứ này. Họ - những người luôn ủng hộ nguyên tắc suy đoán vô tội khi trao đổi công việc liên quan với tôi và các đồng nghiệp, nay họ nói: Gã đàn ông này phải bị trừng trị thích đáng!
Vết thương chằng chịt trên cơ thể người vợ. Ảnh: Chị P cung cấp |
Đối với tôi, đánh đập người khác là điều đáng lên án, đánh đập người thân, vợ/chồng mình là điều đáng lên án gấp vạn lần. Còn đánh đập vợ trước mặt con trẻ là hành động phi nhân tính, không còn lời nào để nói cho đủ sự phẫn nộ trong lòng tôi và những người đàn ông đang có.
Hành động của người chồng ở đây hơn cả một hành vi vi phạm pháp luật.
Bởi, cho dù sau quá trình điều tra, giám định tỉ lệ thương tật, xét đến tính chất côn đồ của hành vi và người chồng sẽ phải đối diện với sự trừng trị của pháp luật thì đối với tôi vẫn là chưa đủ, nhất là với những người đàn ông luôn sẵn sàng “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với người đầu ấp tay gốivới mình!
Điều gây cho tôi nhiều suy nghĩ là trong các quy định liên quan hiện hành không có điều khoản nào nói rằng đánh đập đối với vợ là tình tiết tăng nặng hoặc coi đó là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt. Dẫu cho chúng ta có Luật Bình đẳng giới, chúng ta luôn dành những mỹ từ để tụng ca đức hy sinh của người vợ, người mẹ trong cuộc sống này.
Bất kể xuất phát từ lý do gì, người vợ có sai trái đến đâu (đó là “nếu có”) thì việc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người đầu ấp tay gối với mình, người mẹ của các con mình là điều hoàn toàn không thể chấp nhận. Đằng này anh ta lại còn đánh đập vợ ngay trước mặt con gái của mình, buộc con gái chứng kiến mẹ mình bị hành hạ, đau đớn bởi chính cha mình mà bản thân non trẻ không thể làm gì được. Liệu nỗi đau này, sự ám ảnh này sâu đến mức nào và biết chừng nào mới có thể nguôi phai!
Người vợ bị gãy tay và nhiều vết thương khác. Ảnh: Chị P cung cấp |
Tôi ủng hộ những người phụ nữ, những người vợ mạnh mẽ lên tiếng và hành động để bảo vệ chính bản thân mình. Tôi nói với bất kỳ ai tìm đến mình rằng hãy học cách tôn trọng bản thân, không để chồng chì chiết, đánh đập dù với bất kỳ lý do gì. Tôi nhắc nhở họ rằng bản thân mình luôn là báu vật của cha mẹ mình và mình có trách nhiệm bảo vệ nó trên tất cả. Đó là sự báo hiếu cao nhất mà mình có thể dành cho đấng sinh thành.
Còn đối với con trẻ, nếu muốn để lại điều gì cho con. Đó chính là bài học về việc thương yêu bản thân và lên án, trừng trị đến nơi đến chốn với người gây ra thương tổn cho mình - bất kể người đó là ai, ngay cả chồng mình. Mà ở đây, sự thương tổn không chỉ cho bản thân mà còn là với con trẻ non nớt của mình, một sự thương tổn lớn lao và lâu dài khó lòng lành lặn.
Tôi dõi theo câu chuyện và góp lên một tiếng nói cùng cộng đồng, bên cạnh người phụ nữ đang chịu đau đớn vì bị chồng hành hạ nhẫn tâm. Dẫu cho sự trừng trị của pháp luật chưa chắc đã đủ cho những gì họ đã gây ra thì vẫn là một lời răn để không còn những tình huống côn đồ tương tự.
“Bất kể vì lý do gì, kẻ đánh vợ như thế là không thể chấp nhận!” - tin của một người đàn ông làm báo đã nhắn cho tôi như vậy. Vâng, thưa các bậc nam nhi đại trượng phu, các anh có thể làm sai và trong giới hạn nào đó người đời có thể tha thứ cho các anh, song nếu các anh đánh vợ tàn nhẫn đến vậy thì pháp không dung, đời không tha.