Đất hành lang kênh rạch được xây nhà?

“Quyết định 150/2004 đã hạn chế nhiều quyền lợi về nhà, đất của người dân sống trong hành lang bảo vệ sông, kênh rạch; ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân. Dự thảo thay thế quyết định này đã tháo gỡ những khó khăn về nhà, đất để trả lại quyền lợi cho người dân”.

Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết như trên tại hội nghị phản biện xã hội dự thảo quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch và hồ công cộng trên địa bàn TP (gọi tắt là hành lang) vào ngày 17-2. Xem thêm bài “Hàng ngàn hộ lây lất trên hành lang kênh rạch” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 17-2.

Nhà, đất có trước quy hoạch: Được xây dựng

Theo ông Lê Hoàng Minh, Quyết định 150 không cho phép xây dựng đã giúp TP quản lý chặt hành lang sông, suối, kênh rạch trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, người dân có nhà, đất trong hành lang thì sống rất khổ sở. Thêm vào đó, quỹ đất dọc theo các hành lang cũng là tài nguyên, tài sản của TP nên cần phải sử dụng đúng mục đích.

Do đó, vừa qua lãnh đạo Thành ủy đã chỉ đạo Sở GTVT rà soát việc quản lý, sử dụng quỹ đất này. Theo đó, Sở GTVT đã xây dựng dự thảo, lấy ý kiến của các quận, huyện, sở, ngành và đã hai lần báo cáo UBND TP.

Thông tin vui với những người dân sống trong hành lang chính là dự thảo đã cho phép người dân có nhà, đất trong hành lang được khôi phục nhiều quyền lợi. Cụ thể:

Đối với đất ở nằm trong hành lang của hộ gia đình, cá nhân có nguồn gốc và quá trình sử dụng trước ngày 24-6-2004 (thời điểm Quyết định 150 có hiệu lực) thì được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và cấp phép xây dựng nhà ở.

Riêng đối với đất ở có trước thời điểm trên nhưng chưa có nhà ở (chưa xây dựng) thuộc phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ nhưng ngoài phạm vi mép bờ cao vào trong bờ 20 m (với hành lang 30-50 m), không thuộc phạm vi dự án chỉnh trang đô thị, di dời tái định cư, cải thiện đời sống cho các hộ dân thì cũng được xem xét cấp phép xây dựng.

Đối với nhà ở hiện hữu nằm trên sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng (dạng nhà sàn) thì được phép tồn tại và được sửa chữa, cải tạo, gia cố theo nguyên trạng, không thay đổi quy mô, diện tích, kết cấu nhà cũ. Có thể thay sàn, mái, vách bằng vật liệu nhẹ để chống sập, sạt lở.

Tới đây, khu đất của gia đình ông Hà Văn Minh Vương tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM có thể sẽ được xây dựng nhà ở, trừ khoảng hành lang từ mép sông vào đất 20 m. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Nhà ở nằm trong hành lang 20 m thì (với hành lang 20-50 m) cũng được cho tồn tại và cải tạo, sửa chữa theo hiện trạng nhà cũ, có thể được thay thế bằng kết cấu mái tôn, ngói, tường gạch. Từ 20 m này trở vào đất liền thì được cấp phép xây dựng với quy mô hai tầng, không kể tầng lửng và mái che cầu thang. Chiều cao tối đa 12,2 m so với cốt vỉa hè hoàn thiện.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Hoàng Minh, nếu nhà người dân có trước thời điểm quy hoạch hành lang thì trừ 20 m từ mép sông trở vào, mọi quyền lợi hợp pháp về nhà, đất của người dân được thực hiện bình thường, chỉ hạn chế về chiều cao xây dựng như đã nêu trên.

Dự án đã duyệt 1/500 trước quy hoạch: Xây dựng bình thường

Dự thảo thay thế Quyết định 150 cũng quy định đối với dự án phát triển nhà ở nằm trong hành lang bảo vệ trên bờ đã có đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500, đã được phê duyệt trước thời điểm có quy hoạch thì:

Được duy trì nguyên trạng theo đúng vị trí, quy mô đã duyệt đối với các công trình đã xây dựng hoàn chỉnh theo giấy phép xây dựng hoặc theo đồ án quy hoạch 1/500 hoặc theo dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, được cấp giấy đỏ và đã đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh. Trong trường hợp Nhà nước cần giải tỏa, thu hồi đất để xây dựng các công trình khác thì được xem xét bồi thường theo quy định. Các lô đất thuộc dự án phát triển nhà ở (chưa xây nhà) thì được tiếp tục xây dựng nhà theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã duyệt.

Được tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng theo đúng quy mô công trình đã duyệt với công trình đang đầu tư xây dựng. Trong trường hợp công trình đang đầu tư xây dựng mà không đúng giấy phép xây dựng hoặc không theo tỉ lệ 1/500 thì Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, thống kê và có biện pháp xử lý trình TP xem xét quyết định.

Theo ông Lê Hoàng Minh, toàn TP có hơn 1.000 km sông, kênh rạch. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư xây dựng các công trình công cộng ven hành lang này mới chỉ đếm trên đầu ngón tay do thiếu nguồn lực tài chính. Đa phần đất trong hành lang hiện đã có nhà đầu tư nhưng các nhà đầu tư cũng đang “xí” đất để đó chứ chưa triển khai thực hiện.

Ông Minh cũng cho rằng việc đầu tư xây dựng các công trình ven sông cũng nằm trong chương trình cải tạo, chỉnh trang đô thị của TP. Việc đầu tư, xây dựng, cải tạo, sử dụng hành lang này cũng là một nguồn lực cho sự phát triển của TP.

Được xây khu triển lãm, vui chơi giải trí ngoài trời

Ngoài các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dự thảo cũng quy định trong hành lang kênh được xây dựng các công trình phục vụ hoạt động dịch vụ có thời hạn như triển lãm ngoài trời, khu vui chơi giải trí ngoài trời, biển quảng cáo, chợ hoa Tết. Các điểm cà phê, giải khát ngoài trời, các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch.

Đối với các công trình này, chủ đầu tư phải tự tháo dỡ, không bồi thường khu Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình. Các công trình này phải phù hợp quy hoạch và phù hợp với phương án kiến trúc, phù hợp với không gian kiến trúc cảnh quan được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm