“Chỉ duy nhất có đất quy hoạch khu dân cư hiện hữu chỉnh trang là đạt được sự thống nhất giữa các quận, huyện, sở, ngành khi giải quyết cho chuyển mục đích sang đất ở, cấp giấy chứng nhận, tách thửa và cấp phép xây dựng chính thức” - đó là kết quả được rút ra sau khi Sở QH-KT TP.HCM khảo sát, lấy ý kiến các quận, huyện về công tác quản lý xây dựng đô thị, quản lý đất đai trong quá trình thực hiện theo quy hoạch chi tiết 1/2.000 trên địa bàn TP.
Nơi giải quyết, nơi không
Với các loại đất được quy hoạch chức năng khác, giữa các địa phương đang không thống nhất trong việc giải quyết những thủ tục trên cho người dân.
Cụ thể, về trường hợp được quy hoạch là đất sử dụng hỗn hợp (hoặc đất phức hợp, đất đa chức năng) không có chức năng ở thì giữa các địa phương có quan điểm rất khác biệt. Chỉ một số ít quận như quận 4, Bình Thạnh cho rằng trường hợp này được chuyển mục đích sử dụng, tách thửa và cấp phép xây dựng chính thức. Đa số các quận, huyện khác không giải quyết. Riêng quận Tân Phú cho rằng sẽ cấp giấy phép xây dựng chính thức nếu phù hợp quy hoạch hoặc cấp tạm nếu không phù hợp quy hoạch nhưng trước đó đã có nhà ở.
Giữa các quận, huyện và sở, ngành đang có những cách hiểu khác nhau về chức năng sử dụng đất. Ảnh: HTD
Với đất được thể hiện trong quy hoạch là sử dụng hỗn hợp (hoặc đất đa chức năng, đất phức hợp) có chức năng ở thì nhiều quận, huyện đồng ý giải quyết các thủ tục. Riêng một số nơi như quận 12, Bình Thạnh… không cho chuyển mục đích, tách thửa và đi kèm là chỉ cấp phép xây dựng tạm. Đáng chú ý, một số quận, huyện cho chuyển mục đích hoặc tách thửa nhưng lại không giải quyết cấp phép xây dựng mà chỉ cấp phép tạm.
Đối với đất có chức năng dân cư xây dựng mới cũng tương tự. Một số quận như quận 4, 9, 12, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp cho rằng trường hợp này được chuyển mục đích, tách thửa từ đất nông nghiệp sang đất ở. Trong khi huyện Nhà Bè lại không giải quyết và chỉ cho phép xây dựng tạm. Theo Sở QH-KT, có thể cho phép tách thửa đất ở tại các khu chức năng dân cư xây dựng mới. Nhưng muốn vậy thì phải điều chỉnh, bổ sung các quyết định 19/2009 và 54/2012 về diện tích tối thiểu khi tách thửa để tránh tình trạng né việc lập dự án đầu tư, xé nhỏ khu đất, hình thành các nhóm ở không đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, thiếu hạ tầng xã hội.
Tình trạng bất nhất trong quan điểm xử lý (cho hay không cho chuyển mục đích, tách thửa, cấp phép xây dựng chính thức hay cấp phép tạm…) cũng xảy ra với đất có quy hoạch là khu vực tái thiết đô thị; đất du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; đất dịch vụ đô thị…
Do hiểu khác nhau về chức năng đất
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT, sở dĩ có độ vênh trong việc giải quyết các thủ tục trên là do quận, huyện đã hiểu khác nhau về tính chất, mục đích của chức năng sử dụng đất hoặc chức năng sử dụng đất chưa được xác định rõ. Cùng đó còn có sự lúng túng do chưa xác định được thời hạn thực hiện nhưng lại chưa có cơ chế chính sách về nhà, đất phù hợp trong giai đoạn chờ thực hiện quy hoạch.
Từ thực tế trên, ông Toàn cho biết trong tuần sau Sở QH-KT sẽ tổ chức hội thảo với sự tham gia của 24 quận, huyện, các sở, ngành liên quan để trao đổi, lý giải và thống nhất về cách hiểu chức năng quy hoạch khu đất khi giải quyết thủ tục chuyển mục đích, tách thửa và cấp phép xây dựng. Khi đã có sự thống nhất trong cách hiểu về chức năng của từng loại quy hoạch liên quan đến các thủ tục về nhà, đất, Sở sẽ ban hành một cẩm nang để các địa phương áp dụng.
“Không nên để xảy ra tình trạng ông A có hai căn nhà ở hai quận, tình trạng quy hoạch giống nhau nhưng quận này thì cho tách thửa, chuyển mục đích và cấp phép xây dựng chính thức, trong khi căn nhà thuộc quận kia lại không cho. Người dân sẽ thắc mắc, so bì và cơ quan nhà nước khó có thể giải thích” - ông Toàn nhận xét.
CẨM TÚ