'ĐBQH nhớ từng câu nói, việc làm của người được lấy phiếu'

Ngay trong tuần họp đầu tiên của kỳ họp thứ 6 (khai mạc hôm nay 22-10), Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội - ông Trần Văn Túy, để làm rõ một số vấn đề xung quanh hoạt động được dư luận và cử tri rất quan tâm này.

Ông Trần Văn Túy cho hay lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội (QH), được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015. Từ khi có Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, đến nay, QH đã hai lần lấy phiếu tín tín nhiệm vào năm 2013 và năm 2014.

“Qua hai lần thực hiện cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm đã phát huy tác dụng tốt, góp phần nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của người được lấy phiếu. Chính vì lẽ đó, việc lấy phiếu tín nhiệm đã dành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, sự tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước”- Trưởng ban Công tác đại biểu nhận định.

Cơ hội soi rọi lại chính mình

.Phóng viên: Xin ông đánh giá cụ thể hơn về hoạt động này?

+ Ông Trần Văn Túy: Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm nhằm tăng cường hiệu quả giám sát của QH, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Kết quả đánh giá tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu có cơ hội nhìn nhận lại chính mình, xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì để có phương hướng phát huy kết quả đạt được khắc phục, sửa chữa những hạn chế, tồn tại. Như Tổng bí thư đã nói: “Đây là việc làm vừa động viên, vừa cảnh tỉnh, nhắc nhở”. Trên cơ sở đó, cán bộ tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm để đảm nhiệm tốt vị trí được giao.

Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội - ông Trần Văn Túy. 

Ngoài ra, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ một cách hiệu quả. Kết quả tín nhiệm thấp cũng là cơ sở để người được lấy phiếu có văn hóa ứng xử phù hợp, có thể tự nguyện từ chức hoặc thay đổi vị trí công tác phù hợp.

Và thực tế, có những vị trí kỳ lấy tín nhiệm năm 2013 thấp thì kỳ năm 2014 đã cao hơn. Rõ ràng có sự chuyển biến rất rõ nét ở các ngành, các lĩnh vực đó. Tức là họ soi lại mình sau mỗi kỳ lấy phiếu, phát huy các kết quả đạt được và khắc phục các hạn chế, tồn tại và có biện pháp tổ chức thực hiện năng động, sáng tạo hơn để thực hiện nhiệm vụ được giao.

.Kỳ lấy phiếu tín nhiệm này có điểm gì khác so với hai lần trước đó không, thưa ông?

+ Theo quy định tại Điều 18 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015, QH lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Theo đó, các chức danh do QH bầu và phê chuẩn là 50 người. Tuy nhiên, Nghị quyết số 85/2014/QH13 của QH quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ chín tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu của QH.

Hiện có hai người giữ hai chức danh Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ được QH bầu và phê chuẩn ngay đầu kỳ họp. Do thời gian đảm nhiệm chức danh chưa đủ chín tháng nên QH sẽ không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ hai chức danh này.

ĐBQH phải khách quan, công tâm, công bằng

. ĐBQH căn cứ vào đâu để đánh giá khi lấy phiếu tín nhiệm? Thực tế, không ít ý kiến lo ngại tình trạng nể nang, duy tình, thậm chí là vận động khi lấy phiếu.

+ Ngoài báo cáo của chính người được lấy phiếu tín nhiệm, từng ĐBQH cũng đều theo dõi hoạt động của những người thuộc diện lấy phiếu trong cả nhiệm kỳ, các ĐBQH nhớ từng câu nói, từng việc làm và giám sát rất chặt chẽ. Cạnh đó, các ĐBQH còn theo dõi qua các tài liệu của các cuộc giám sát, cũng như tự thân các ĐBQH thực hiện chức năng giám sát.

 "Lấy phiếu có tính chất nhân văn, cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe để người được lấy phiếu sau đó nhìn nhận lại những việc mình đã và đang làm để tiếp theo làm cho tốt, trách nhiệm cao lên". 

Ngoài ra, qua kênh tiếp xúc cử tri, nếu có các vụ việc nổi lên, ĐBQH sẽ căn cứ vào đó để suy nghĩ, phân tích, sàng lọc. Những thông tin phản ánh trên báo chí cũng là cơ sở để ĐBQH đọc và tham khảo để đưa ra quyết định.

Chúng ta có rất nhiều kênh nhưng định hướng chung là ĐBQH phải có trách nhiệm sàng lọc, đánh giá thông tin khách quan, công tâm, công bằng, để lá phiếu của mình thể hiện đúng thực chất hiệu quả công việc của người được lấy phiếu, đáp ứng được kỳ vọng của QH, của cử tri cả nước.

Việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm là khác nhau. Lấy phiếu có tính chất nhân văn, cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe để người được lấy phiếu sau đó nhìn nhận lại những việc mình đã và đang làm để tiếp theo làm cho tốt, trách nhiệm cao lên. Lấy phiếu tín nhiệm vừa khó khăn nhưng cũng có cái rất thuận lợi, việc lấy phiếu là công việc bình thường theo Luật và Nghị quyết của QH quy định. Chúng ta tin tưởng rằng việc nói, việc làm rất khách quan, chắc chắn sẽ hạn chế được tất cả vấn đề, để việc lấy phiếu không bị hiệu ứng bởi bất cứ việc gì.

. Qua tổng hợp các báo cáo cũng như theo dõi hoạt động của các vị được lấy phiếu tín nhiệm, Ban công tác đại biểu có nhận được phản ảnh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đạo đức, lối sống, thu nhập tài sản của những người này không?

+ Đến nay tất cả những người được lấy phiếu tín nhiệm đã hoàn thành xong báo cáo theo yêu cầu và gửi đến các ĐBQH. Điểm nhấn của Nghị quyết 85 là người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo sớm. Trước thời điểm đó, nếu có dư luận thì họ phải giải trình, đó là một việc rất thực chất.

Hiện tôi cũng chưa nhận được thông tin khiếu nại, tố cáo về bất kỳ ai trong 48 người được lấy phiếu tín nhiệm, kể cả về kê khai tài sản cũng như về đạo đức lối sống…

.Xin cảm ơn ông!

.Cũng là người được lấy phiếu tín nhiệm, bản thân ông có thấy lo lắng hay áp lực không?

+ Việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ có các thành viên Chính phủ mà còn ủy viên Thương vụ QH và cũng là trách nhiệm tập thể. Trách nhiệm tập thể nhưng mỗi cá nhân phải thể hiện được quan điểm, tổ chức thực hiện, định hướng hoạt động ở cơ quan mình chứ không chỉ là sản phẩm của tập thể.

Các Uỷ viên Thường vụ QH và chính tôi cũng rất lo lắng. Chúng tôi cũng coi đây là dịp để tự soi mình. Áp lực thì không có, nhưng trách nhiệm thì có. Chính vì việc lấy phiếu tín nhiệm mà ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong mọi hành động, việc làm, mình phải làm sao để khi lấy phiếu tín nhiệm phải dành được sự tin tưởng của QH.

Mỗi lá phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm không chỉ là trách nhiệm của đại biểu đối với người được lấy phiếu, mà còn chứa đựng “sức nặng” của niềm tin mà cử tri đã trao gửi cho đại biểu của mình.

Tôi tin rằng, với kinh nghiệm được rút ra từ hai lần lấy phiếu trước đây, cùng với nguyên tắc dân chủ, công khai trong hoạt động của QH, giám sát của cử tri của các cơ quan báo chí, các ĐBQH sẽ thể hiện bản lĩnh và sự công tâm, sáng suốt nhất đối với mỗi lá phiếu tín nhiệm.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm