Chiều 19-1, đại diện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam airlines JSC) do ông Phạm Hải Phong (Phó Trưởng Ban Kế hoạch và tiếp thị hàng hóa) làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP Cần Thơ để bàn về kế hoạch xây dựng trung tâm logistics hàng không gần sân bay Cần Thơ.
Ông Phạm Hải Phong cùng đoàn làm việc với UBND TP Cần Thơ chiều 19-1 để bàn về kế hoạch xây dựng trung tâm logistics hàng không. Ảnh:NN
Theo ông Phong, hiện trên cả nước chưa có một trung tâm logistics hàng không nào. Đối với ba sân bay lớn là Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng hiện bị vướng không triển khai được trung tâm logistics hàng không vì không có trong quy hoạch nên quỹ đất dành cho hạng mục này gần như không có.
Do đó, phía Vietnam airlines JSC bày tỏ mong muốn được lãnh đạo TP Cần Thơ giúp tìm hiểu thông tin đầu tư xây dựng trung tâm logistics hàng không gần khu vực sân bay Cần Thơ.
Theo đó, ông Phong cho biết trung tâm này phải gắn chặt với sân bay, có quy mô dự kiến giai đoạn đầu khoảng 5 ha, dài hạn thì có thể từ 15 đến 20 ha. Tham vọng của dự án này không chỉ đầu tư cho hiện tại mà còn cả tương lai cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long – vùng nguyên liệu thủy sản và nông sản mạnh nhất cả nước.
Một số thành viên đoàn việc của Vietnam airlines JSC đề nghị TP thông tin thêm về vùng nguyên liệu, vùng sản xuất thủy hải sản và nông sản cũng như các khu công nghiệp, khu chế xuất để dự án khi xây dựng sát với nhu cầu thị trường, tránh việc chồng chéo mà lại thiếu.
Ông Đào Anh Dũng cho biết lãnh đạo TP Cần Thơ rất quan tâm và ủng hộ dự án này. Ảnh: NN
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết quan điểm của lãnh đạo TP rất quan tâm và ủng hộ dự án này. Ông Dũng cho biết xung quanh khu vực sân bay Cần Thơ còn quỹ đất và đa phần là đất nông nghiệp.
Ngoài ra, khu vực này có ba tuyến giao thông dọc là QL91, 91B và đường Võ Văn Kiệt. Trong năm 2018, TP đã bố trí vốn làm tuyến đường trục ngang nối từ QL91 sang 91B (đã làm được một đoạn phía đường QL91). Gần sân bay là cảng đường thủy Hoàng Diệu. Nói chung, xung quanh khu vực sân bay rất thuận tiện các tuyến giao thông.
Cũng theo ông Dũng, Cần Thơ đã được trung ương quy hoạch hơn 200 ha làm trung tâm logistics cho cả vùng tại khu vực cảng Cái Cui nhưng lại chưa có trung tâm logistics hàng không. Vì vậy, nếu trung tâm logistics hàng không được xây dựng sẽ kết nối tạo nên sự đa dạng, thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics toàn vùng.
“TP sẵn sàng hỗ trợ thông tin về các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng hàng hóa, vùng nguyên liệu thủy hải sản, nông sản trong khả năng của mình để giúp dự án được triển khai tốt nhất. Cạnh đó, TP cũng mong phía công ty kết việc đầu tư sớm để TP điều chỉnh quy hoạch quận Bình Thủy (đang làm) cho phù hợp” – ông Dũng cho hay.
Trung tâm logistics hàng không sẽ được đặt ở gần sân bay Cần Thơ.
Theo đại diện Sở Công Thương TP Cần Thơ, việc đầu tư trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ không chỉ tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản, thủy hải sản của Cần Thơ mà toàn vùng được đi các nơi thuận tiện hơn, tăng giá trị hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của rất nhiều doanh nghiệp.
Sở Công Thương cho biết thống kê chưa đầy đủ thì lượng hàng xuất khẩu của toàn vùng gần 18 triệu tấn, trong đó 70%-80% được vận chuyển lên TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ để xuất đi các nơi.
Riêng TP Cần Thơ, hàng năm lượng gạo xuất khẩu khoảng 800.000 tấn, thủy sản khoảng 170.000 tấn, lượng trái cây xuất đi tính theo giá trị khoảng 100 triệu USD.
TP Cần Thơ cũng có quy hoạch 8 khu công nghiệp, hiện đã khai thác năm khu. Các địa phương lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang cũng có nhiều khu công nghiệp…