Chiều 27-10, việc bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) vì bị 17 năm tù oan một lần nữa làm nóng Quốc hội (QH) khi các đại biểu (ĐB) thảo luận tại tổ về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Cùng một tòa sao mức bồi thường lại chênh
“Ông Nén đi tù 17 năm thì làm cách nào để đủ giấy tờ chứng minh được thiệt hại?”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đặt câu hỏi.
Bà Nga cũng nhắc lại sự việc ông Nén đòi bồi thường 18 tỉ đồng. TAND tỉnh Bình Thuận đã chấp nhận mức bồi thường 10 tỉ đồng nhưng ở lần thỏa thuận sau đó, con số này hạ xuống chỉ còn 2,6 tỉ đồng. So sánh với mức bồi thường cho 10 năm tù oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) là hơn 7 tỉ đồng, bà Nga cho rằng cần xử lý công bằng giữa các trường hợp.
Cạnh đó, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp cũng băn khoăn khi cùng một tòa đứng ra thương lượng, tại sao mức chấp nhận bồi thường lại chênh nhau nhiều như vậy và cách tính toán để cho các mức này thế nào?
“Tôi đề nghị TAND Tối cao kiểm tra các trường hợp cụ thể này. Tôi cho rằng trong trường hợp người đi tù lâu như thế, không còn hóa đơn thì phải có cách tính chi phí thực tế hợp lý để một ông ở vùng sâu, vùng xa của miền Nam cũng giống như một người bị oan ở phía Bắc” - bà Nga nói.
“Ông Nén đi tù 17 năm thì làm cách nào để có đủ giấy tờ chứng minh được thiệt hại?” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi. Ảnh: CL
“Bồi thường kiểu gì cũng bị phản ứng”
“Thực sự mà nói, bồi thường kiểu gì cũng bị phản ứng” - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.
Theo ông Bình, nếu bồi thường đúng quy định của luật, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, tức là phải có chứng cứ, giấy tờ xác nhận chi tiêu… thì bồi thường không được bao nhiêu.
“Vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, dư luận đặt câu hỏi sao (đi tù) mười mấy năm mà chỉ được bồi thường có bấy nhiêu? Còn nếu bồi thường quá nhiều cũng lại có luồng dư luận khác có ý kiến tại sao tiền ngân sách mất nhiều thế, như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang)” - ông Bình nói.
Ông Bình cho hay thực tế khi vận dụng luật, có hướng dẫn bao nhiêu cũng không đủ, vì có những khoản không thể “chứng cứ hóa” được như danh dự, sức khỏe, tinh thần... “Điều này đã đặt các cơ quan thi hành vào tình thế thực sự khó khăn” - ông Bình phân trần.
Liên đới làm oan, bồi hoàn thế nào?
“Vụ án oan của ông Chấn, ông Nén là lỗi tổng hợp, có lỗi của điều tra viên, kiểm sát viên, tòa án. Giờ thu hồi, không thể nói mình ông tòa được” - ông Bình nói.
Ông Bình cho biết TAND Tối cao đề nghị quy định làm oan khi ở giai đoạn điều tra, CQĐT phải bồi thường, xin lỗi, điều tra viên bị xử lý và phải hoàn tiền. Ở giai đoạn truy tố, VKS phải xin lỗi, bồi thường nhưng xử lý kỷ luật phải cả điều tra viên và kiểm sát viên cùng chung trách nhiệm bồi hoàn. Đến xét xử, tòa phải xin lỗi, bồi thường nhưng cả ba “ông” đều bị xử lý kỷ luật và có trách nhiệm bồi hoàn.
“Các ông đều phải có trách nhiệm, chứ không làm xong chuyển giai đoạn khác rồi thành vô can thì không công bằng. Chúng tôi đã đề nghị thế nhưng dự thảo chưa thấy đề cập” - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình bày tỏ quan điểm.
Người đứng đầu ngành tòa án lại băn khoăn về quy định yêu cầu cả những người về hưu cũng phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả. “Giờ đặt ra câu chuyện phải trừ tiền lương hưu của họ mấy tháng đó thì không rõ cơ quan soạn thảo đã cân nhắc kỹ chưa? Người ta nghỉ hưu, phải trông vào đồng hưu năm cọc năm đồng mà lại trừ 30-50 tháng lương...” - ông Bình nêu câu hỏi và thừa nhận bản thân ông cũng chưa tìm được lời giải cho câu chuyện này.
Có thể do vận dụng pháp luật không chuẩn Tôi nghĩ việc tính toán, xác định mức bồi thường cho ông Nén phải căn cứ quy định của pháp luật. Mức bồi thường thương lượng lần thứ ba so với lần thứ tư có mức chênh lệch khá lớn. Như vậy có thể do vận dụng pháp luật không chuẩn, không bảo đảm nên khi rà soát lại, mức bồi thường giảm xuống. Liên quan đến việc “ông Nén đi tù 17 năm thì làm sao có thể có đủ hóa đơn, chứng từ để chứng minh được thiệt hại?”, tôi cho rằng cơ quan chức năng phải có sự vận dụng tối đa để bồi thường theo quy định. TAND với trách nhiệm cơ quan làm oan phải có trách nhiệm rà soát lại thật kỹ. Ông HUỲNH THANH CẢNH, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Lấy tiền hối lộ để bồi thường oan? Lâu nay có ý kiến rằng “tiền thuế nhân dân đóng không phải chi trả cho chuyện sai của các ông”. Đây là câu chuyện rất nhức nhối. TAND Tối cao đã đề xuất kinh nghiệm thế giới khi giải quyết vấn đề này là lập ra một quỹ, nguồn tiền lấy từ tất cả khoản tiền thu được do phạm tội mà có, hối lộ, buôn lậu, ma túy, rửa tiền... Quỹ này để trả cho bồi thường, không phải từ tiền thuế của dân. Tuy nhiên, ý kiến này chưa được cơ quan soạn thảo tham khảo. Chánh án TAND Tối cao NGUYỄN HÒA BÌNH |