Đề xuất đổi tên Bộ Xây dựng, thêm 'phát triển đô thị và nhà ở'

Sáng 28-3, Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tiếp tục với phần trình bày của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chuyên đề “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025)”.

Sau khi điểm qua một số kết quả nổi bật của nền kinh tế được quốc tế công nhận, Thủ tướng nói dù đạt được nhiều thành tích nhưng những hạn chế của nền kinh tế vẫn còn. Đó là việc thực hiện các đột phá chiến lược còn chậm, nhất là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng. Việc huy động nguồn lực từ đất đai còn hạn chế.

“Thất thoát đất đai của chúng ta sau 35 năm đổi mới và nhất là trong 10 năm trở lại đây còn rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguyên nhân, theo Thủ tướng, là do nhận thức về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở một số nội dung còn chưa thực sự sâu sắc thống nhất. Ví dụ như quan hệ giữa nhà nước và thị trường; sở hữu đất đai, phân bố nguồn lực, vai trò của doanh nghiệp và nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói nhiều nơi còn biểu hiện cơ chế xin - cho, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm. Ảnh: QH

Tính thượng tôn pháp luật chưa được đề cao, kỷ luật, kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá theo dõi thực thi công vụ, có nơi còn buông lỏng, nên có hiện tượng một số cơ quan, địa phương vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, Thủ tướng nói nhiều nơi còn biểu hiện cơ chế xin cho, “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”. Năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế.

“Dân chủ chưa được phát huy, kỷ cương phép nước chưa nghiêm, tham nhũng, tiêu cực vẫn còn, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng nói.

Sau khi nêu các bài học, Thủ tướng đề cập đến các nhiệm vụ chiến lược, trong đó có chiến lược về hạ tầng trọng điểm quốc gia, hạ tầng giao thông thiết yếu và hạ tầng năng lượng, hạ tầng kinh tế số.

Thủ tướng nêu cần phải đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030 có 5.000 km cao tốc, các sân bay, cảng biển lớn được đầu tư hiện đại. Thậm chí, Thủ tướng nói ông đã cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thống nhất giữa hai cơ quan là Chính phủ và Quốc hội về việc làm đường ven biển từ Nam - Bắc bao gồm cả miền Đông, miền Tây Nam Bộ.

Tương tự, như đường sắt Bắc - Nam, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Thủ tướng khẳng định “tất cả những vấn đề đó tốn tiền cũng phải làm, phải có nghiên cứu để làm”.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII diễn ra trong hai ngày, 27 và 28-3. Ảnh: QH

Về phát triển kinh tế vùng, Thủ tướng cho biết sẽ xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, thúc đẩy liên kết phát triển vùng; xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính có lợi thế cơ chế chính sách, có những đột phá cạnh tranh quốc tế.

“Nhân đây, tôi nói rộng hơn. Chính phủ đã trình Quốc hội luật Đặc khu, nhưng hồi đó nhận thức còn nhiều vấn đề, chúng ta chưa làm tốt công tác hướng dẫn dư luận cho nên chúng ta chưa thành công. Chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu vấn đề này”, Thủ tướng nói.

Đặt tầm quan trọng của phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới đối với sự phát triển của đất nước, Thủ tướng cho rằng, phát triển đô thị có tầm nhìn dài hạn, hình thành chuỗi đô thị phía Bắc, Nam miền Trung, hình thành đô thị vệ tinh của đô thị đặc biệt.

“Vừa qua, chúng tôi đã đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương đổi tên Bộ Xây dựng thành Bộ Xây dựng phát triển đô thị và nhà ở”, Thủ tướng thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm