Đề xuất hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH vừa cho biết đơn vị này đã họp với các bộ, ngành lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (NLĐ).

Dự thảo quyết định này để triển khai Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Hỗ trợ tối đa ba tháng tiền thuê nhà

Theo dự thảo, Bộ LĐ-TB&XH phân ra hai nhóm NLĐ để hỗ trợ gồm: Công nhân đang làm việc trong doanh nghiệp (DN) (khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc vùng kinh tế trọng điểm) và NLĐ trở lại thị trường lao động. Trong đó, mức hỗ trợ cho NLĐ đang làm ở các khu công nghiệp là 500.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ tối đa ba tháng.

Công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc vùng kinh tế trọng điểm phải đáp ứng ba điều kiện như: Đang thuê nhà trong khoảng thời gian từ ngày 1-1 đến 30-6-2022; có hợp đồng lao động được ký kết từ đầu năm 2022; đang tham gia BHXH bắt buộc.

Người lao động trong các khu công nghiệp hiện nay đang rất khó khăn nên rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Ảnh: V.LONG

Với nhóm NLĐ trở lại thị trường lao động, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa ba tháng. Điều kiện để nhận được khoản hỗ trợ này là NLĐ đang làm việc trong DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc vùng kinh tế trọng điểm, vì dịch bệnh phải về quê.

Cạnh đó, nhóm NLĐ này cũng phải có đủ ba điều kiện để nhận hỗ trợ như: Đang thuê nhà trong khoảng thời gian từ ngày 1-1 đến 30-6-2022; có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên trong thời gian từ ngày 1-1 đến 30-6-2022; đang tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp NLĐ chưa tham gia BHXH bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của DN.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, để nhận được tiền hỗ trợ, NLĐ phải có đơn đề nghị. Sau khi tiếp nhận đơn, trong vòng hai ngày, DN và công đoàn cơ sở phải xem xét, xác minh đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện theo yêu cầu. DN chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của danh sách NLĐ.

Trường hợp trong danh sách đề nghị có NLĐ chưa tham gia BHXH bắt buộc, chủ DN phải gửi kèm theo danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm lập danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ.

Tiền hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương, tổng kinh phí hỗ trợ tối đa dự kiến khoảng 6.600 tỉ đồng.

Nguồn hỗ trợ rất cần thiết

Góp ý cho dự thảo trên, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp cho rằng về trường hợp đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ tháng thứ nhất và tháng thứ hai thì DN lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo từng tháng. Nếu đề nghị hỗ trợ bước sang tháng thứ ba thì UBND cấp tỉnh căn cứ hồ sơ đề nghị để phê duyệt và chi trả hỗ trợ cho NLĐ, không cần tiếp tục lập hồ sơ.

PGS-TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhìn nhận chính sách này của Chính phủ rất phù hợp và kịp thời. Vì công nhân đến nay đã cạn kiệt nguồn lực, sau thời gian dài chống chọi với dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ông Thọ phân vân về mức hỗ trợ cho mỗi công nhân vì khoản tiền này quá nhỏ so với chi tiêu của NLĐ. Ngoài tiền thuê nhà, công nhân còn phải trả chi phí rất nhiều cho các bữa ăn, sinh hoạt ngay khi lên TP.

Cũng theo ông Thọ, ngoài hỗ trợ của Chính phủ, cần huy động thêm nguồn lực khác để giúp đỡ công nhân. Chẳng hạn, chính những người công nhân đang có việc làm hỗ trợ những người chưa có việc làm. Đặc biệt là huy động sự hỗ trợ từ các đoàn thể, tổ chức xã hội khác, trên tinh thần góp nhỏ thành lớn, góp gió thành bão…

Ngoài ra, ông Thọ cũng cho rằng các quy định của nghị định cần xây dựng theo hướng tạo mọi điều kiện để NLĐ dễ dàng tiếp cận, hưởng thụ chính sách. Không nên đưa ra các điều kiện quá ngặt nghèo khiến nhiều NLĐ không tiếp cận được.

“Ban soạn thảo chính sách nên giảm bớt các yêu cầu, điều kiện để NLĐ nhận được hỗ trợ đúng thời điểm, phát huy hiệu quả chính sách…” - ông Thọ góp ý.

Hồ sơ và thủ tục đề nghị hỗ trợ cho NLĐ

Theo dự thảo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, hồ sơ gồm đơn đề nghị hỗ trợ của NLĐ, DN tổng hợp và lập danh sách, công khai tại nơi làm việc trong thời gian tối thiểu năm ngày (xác minh nếu có khiếu nại).

DN gửi danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ tới cơ quan BHXH để xác nhận đang tham gia BHXH bắt buộc.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ DN gửi về UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, chậm nhất ngày 31-7-2022.

Trong thời gian hai ngày làm việc, UBND cấp huyện duyệt và trình cấp tỉnh, trong hai ngày làm việc, UBND cấp tỉnh xét và ký quyết định hỗ trợ, cập nhật kết quả vào hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong hai ngày khi nhận được kinh phí hỗ trợ, DN chi hỗ trợ cho NLĐ. 

NG.HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm