Đề xuất lấy ý kiến Nhân dân về dự Luật Đất đai (sửa đổi) đến 15-3-2023

(PLO)- Việc lấy ý kiến Nhân dân về dự Luật Đất đai (sửa đổi) phải tiết kiệm, hiệu quả, tránh triển khai mang tính hình thức
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có báo cáo một số ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là một nội dung quan trọng của phiên họp Ủy ban Thường vụ vừa khai mạc sáng nay, 13-12.

Cơ quan này “cơ bản tán thành” mục đích, yêu cầu của việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và đề nghị nghị bổ sung yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả, tránh triển khai mang tính hình thức. Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định đối tượng lấy ý kiến bao gồm “các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

Đối với việc lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Thường trực Ủy ban Kinh tế yêu cầu làm rõ hơn về đầu mối lấy ý kiến, tiếp nhận ý kiến, hình thức lấy ý kiến, cách thức thông tin, tuyên truyền để người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể tiếp cận được dự thảo Luật và tài liệu có liên quan.

Cũng có ý kiến đề nghị lấy ý kiến của các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao. Tuy nhiên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng quy định về việc quản lý, sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua và chưa phát sinh vướng mắc, bất cập lớn cần xin ý kiến.

“Mặt khác, chế độ quản lý, sử dụng đất đai của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, khác biệt so với các nước trên thế giới. Do đó, việc lấy ý kiến của các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao đối với dự thảo Luật sẽ khó khả thi, khó bảo đảm phù hợp với điều kiện của Việt Nam”, báo cáo nêu.

Thường vụ Quốc hội hôm nay sẽ thảo luận về Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân đối với dự Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: QH

Thường vụ Quốc hội hôm nay sẽ thảo luận về Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân đối với dự Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: QH

Về nội dung lấy ý kiến, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành việc lấy ý kiến Nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm. Đồng thời, đề nghị cân nhắc cung cấp các báo cáo có liên quan như: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Đất đai (sửa đổi)… để Nhân dân có thêm cơ sở nghiên cứu, cho ý kiến về dự thảo Luật.

Còn về thời gian lấy ý kiến Nhân dân, Ủy ban kinh tế tán thành với đề nghị kéo dài thời gian lấy ý kiến Nhân dân đến hết ngày 15-3-2023. Đồng thời, để bảo đảm chất lượng hồ sơ dự án Luật cũng như quy trình thẩm định, thẩm tra dự án Luật, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức một phiên họp riêng về dự án Luật vào thời điểm sau ngày 20-4-2023 (tương tự như phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia).

Các vấn đề Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc lấy ý kiến Nhân dân

(1) Nguyên tắc áp dụng pháp luật

(2) Quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai

(3) Điều tiết nguồn thu đất đai

Đồng thời, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, trên cơ sở ý kiến ĐBQH thảo luận tại kỳ họp thứ 4, lựa chọn những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, làm rõ các loại ý kiến, ưu điểm, hạn chế của từng loại ý kiến, tạo cơ sở để Nhân dân xem xét, góp ý.

Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm đến một số nội dung sau:

(1) Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

(2) Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

(3) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại

(4) Nguyên tắc “đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” khi bồi thường về đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất

(5) Quy trình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh

(6) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất

(7) Việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân

(8) Việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa

(9) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm

(10) Nguyên tắc và phương pháp định giá đất

(11) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm