Đề xuất phương án mới về điều chỉnh giá xăng

Bộ Công thương vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Tại dự thảo này, có nội dung rất đáng chú ý là quy định tạo thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài tham gia phân phối xăng dầu.

Theo đó, dự thảo nghị định sửa đổi quy định ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng phê duyệt chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân kinh doanh xăng dầu được quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Công Thương - đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo nghị định cho rằng thực tế sau quá trình cổ phần hóa, nhiều DN kinh doanh xăng dầu trong nước đã là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đơn cử như trong những năm vừa qua Petrolimex đã cổ phần hóa, có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài với 20%, PVOil cũng duyệt cổ phần hóa cho nhà đầu tư nước ngoài với mức 35%...

Bộ Công Thương cho biết đã tính toán rất kỹ khi đưa ra đề xuất này. Bởi vì khi gia nhập WTO, Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu để DN trong nước có cơ hội lớn mạnh. Đến nay, DN xăng dầu trong nước đã có hệ thống phân phối rộng khắp và có nhu cầu thêm nguồn vốn để đầu tư vào sản xuất.

"Bộ Công Thương và ban soạn thảo đề xuất nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu 35% vốn vì như vậy họ không được quyền phủ quyết các vấn đề trong điều hành hoạt động xăng dầu. Các DN xăng dầu trong nước vẫn nắm được quyền chi phối, mà lại có thêm vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị để nâng cao sản xuất - Bộ Công Thương lý giải.

Cùng với đề xuất trên, dự thảo nghị định cũng đưa ra hai phương án về thời gian điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Phương án 1, thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 10 ngày và phương án 2 là 15 ngày.

Ở cả hai kịch bản đưa ra, nếu giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tăng cao bất thường so với giá cơ sở kỳ liền kề trước đó khoảng 10%, ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất dù ở bất kỳ phương án nào, nếu diễn biến giá xăng dầu có biến động bất thường lớn, ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội hoặc nguồn cung thì Liên Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để điều hành cho linh hoạt. 

Trước đó, một số chuyên gia cho rằng giá xăng dầu thế giới sẽ còn biến động thất thường, khó lường theo diễn biến dịch bệnh lẫn cung cầu thị trường. Vì vậy, chu kỳ điều hành giá xăng dầu của Nhà nước 15 ngày theo quy định tại Nghị định 83/2014 đã bộc lộ nhiều bất cập, không phản ánh kịp và tiệm cận với giá xăng dầu thế giới. 

Dự thảo nghị định cũng tính tới việc cho phép áp dụng thí điểm các máy bán xăng dầu mini đã được kiểm định tại vùng sâu, vùng xa để bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

Không tăng giá xăng, dầu
Không tăng giá xăng, dầu
(PLO)- Tại kỳ điều hành chiều nay, 13-7, giá xăng E5RON92 vẫn giữ nguyên ở mức 14.258 đồng/lít; xăng RON95-III là 14.973 đồng/lít.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm