Sở Nội vụ vừa có tờ trình UBND TP.HCM về đề án thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện quản lý. Theo đó, trong số 1.011 thanh tra xây dựng (TTXD) hiện đang thuộc sự quản lý của Sở Xây dựng sẽ có 857 người được “trả” về quận, huyện như năm năm trước đây.
Dồn hết về Sở: Nhiều bất cập
Theo Sở Nội vụ, lực lượng thanh tra Sở Xây dựng được duyệt 1.030 biên chế. Trong đó 97 thuộc Sở Xây dựng và 933 nhân sự tại đội thanh tra địa bàn tại 24 quận, huyện. Theo số liệu từ Sở Xây dựng, tính đến cuối năm 2017 lực lượng TTXD có tổng cộng 1.011 nhân sự (ít hơn so với biên chế được duyệt).
Sở Nội vụ nhận định số lượng TTXD được bố trí tại 24 đội thanh tra địa bàn khác nhau dẫn đến công tác nắm bắt tư tưởng, tâm tư, tình cảm cũng như quản lý giáo dục công chức, thanh tra viên, nhân viên chưa kịp thời. Các trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử trong lực lượng TTXD phải phê bình, kiểm điểm, kỷ luật vẫn còn nhiều.
Tình hình vi phạm xây dựng tại một số địa phương còn phức tạp do sự phối hợp giữa TTXD và các địa phương còn hạn chế. “Trong một số trường hợp xử lý vi phạm, quan điểm của TTXD và quận, huyện chưa thống nhất, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước” - Sở Nội vụ cho hay.
Kết quả cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm của chánh thanh tra Sở ký ban hành cũng được đánh giá là chưa cao. Trong số hơn 5.900 quyết định được chánh thanh tra Sở ban hành từ năm 2013 đến tháng 10-2017 chỉ có hơn 2.500 quyết định thực hiện xong (chiếm 42,4%).
Sẽ có 857 thanh tra xây dựng được “trả” về quận, huyện như năm năm trước đây. Ảnh: HTD
“Nguyên nhân một phần do người vi phạm không chấp hành nhưng cũng có yếu tố do UBND các quận, huyện chưa kịp thời ban hành quyết định cưỡng chế và thực hiện việc tháo dỡ do không đủ kinh phí hoặc thiếu lực lượng nên không đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm” - Sở Xây dựng đánh giá.
Ngoài ra, quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng phân định rạch ròi “công trình không phép do phường, xã, thị trấn kiểm tra, xử lý, công trình sai phép do Thanh tra Sở Xây dựng” cũng làm phát sinh tâm lý “lĩnh vực đó không thuộc trách nhiệm của mình”, dẫn đến việc không kịp thời đề xuất xử lý.
85% TTXD về tiếp sức cho quận, huyện
“Để tránh làm xáo trộn bộ máy gây ảnh hưởng đến tâm lý, hiệu quả công việc đối với đội ngũ TTXD, Sở Nội vụ kiến nghị chủ tịch UBND TP giữ nguyên 97 biên chế tại Sở Xây dựng và chuyển 933 biên chế của đội thanh tra địa bàn 24 quận, huyện hiện có về đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện” - Sở Nội vụ nêu trong đề án thí điểm.
Theo Sở Nội vụ, một trong những nhiệm vụ chính của lực lượng TTXD là kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, trật tự đô thị, kể cả các hành vi xây dựng không phép, sai phép và sai quy hoạch được duyệt. Mỗi đội quản lý trật tự đô thị tại các quận, huyện sẽ có một đội trưởng và không quá hai đội phó. Hai nhân sự này sẽ do UBND quận, huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm. Đội trưởng có thể phân công một số công chức về làm việc tại phường, xã giúp các địa phương này trong công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường và các nhiệm vụ khác.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một số quận, huyện cho hay việc bổ sung TTXD về địa phương như trước đây sẽ bổ sung một lực lượng rất đáng kể, giúp địa phương quản lý tốt hơn về trật tự xây dựng và đô thị.
Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, nói: Việc chuyển lực lượng TTXD về quận sẽ tạo sự chủ động hơn cho địa phương trong công tác xử lý vi phạm xây dựng. Trên thực tế hiện nay, khi xử lý vi phạm xây dựng, có một số vụ việc phải từ hai đến ba đầu mối, vừa cán bộ địa chính của phường, vừa thanh tra xây dựng ở Sở nên việc phối hợp sẽ rất mất thời gian.
“Thêm vào đó, cán bộ địa chính tại các phường hiện nay phụ trách xử lý vi phạm trật tự xây dựng cũng chỉ được 1-2 người trong khi địa bàn rất rộng. Các công chức này không chỉ phụ trách về thanh tra xây dựng mà còn rất nhiều việc chuyên môn khác, công việc rất quá tải. Do đó, việc đưa lực lượng thanh tra xây dựng trở lại quận, huyện sẽ giúp quận thực hiện tốt hơn trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn” - ông Bình nói.
Là địa bàn nóng về xây dựng không phép, ông Nguyễn Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cũng rất ủng hộ đề án. “Bình Chánh là địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao, địa bàn rất rộng nhưng nhân sự phụ trách xử lý vi phạm xây dựng ít lại phải kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn khác. Do đó, tình trạng vi phạm xây dựng hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp” - chủ tịch huyện Bình Chánh cho hay.
Đầu năm 2017, Sở Xây dựng và huyện Bình Chánh cũng đã ký kế hoạch liên tịch về việc tăng cường công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng tại hai xã nóng Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B. Theo đó, Sở Xây dựng đã tăng cường nhân sự đội thanh tra địa bàn bình quân mỗi ấp thuộc xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B lên từ một đến hai công chức. Cụ thể, trên địa bàn hai xã trên sẽ có 46 công chức TTXD, trước đây chỉ có 15 công chức.
Theo ông Lữ, được tăng thêm quân, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện có kéo giảm rõ rệt. “Tuy nhiên, do địa bàn rộng nên tình trạng vi phạm trật tự xây dựng cũng còn diễn biến phức tạp, nếu lực lượng TTXD chuyển hẳn về huyện thì sẽ phát huy tốt hơn hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng” - ông Lữ nói.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, từ năm 2013 đến 2017 có 309 trường hợp TTXD bị khiển trách, phê bình, cảnh cáo, xử lý kỷ luật. Đặc biệt có ba TTXD bị buộc thôi việc và một công chức Đội TTXD huyện Nhà Bè bị khởi tố hình sự. |