Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp Việt đang là xu hướng chung và là chủ trương của Chính phủ.
Thời gian qua ngành nông nghiệp đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia như Hòa Phát, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai… Mới đây đến lượt Công ty NutiFood đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng vào Đắk Lắk làm nông nghiệp công nghệ cao.
Muốn xuất khẩu cà phê chất lượng cao
NutiFood cam kết sẽ đầu tư để Đắk Lắk thúc đẩy phát triển công nghệ cao trong ngành cà phê từ cây giống, trồng trọt, thu hoạch, chế biến… Qua đó nhằm nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm sau cùng và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Đặc biệt, công ty sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm tiêu dùng từ cà phê, xây dựng thương hiệu cà phê gắn với xuất xứ địa lý tỉnh. Nghiên cứu, khảo sát để phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa giống cao sản tại Đắk Lắk.
Lý giải vì sao thời điểm này NutiFood lại quyết định đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ở Đắk Lắk, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood, nói: Quyết định trên xuất phát từ khát vọng đưa hạt cà phê Đắk Lắk vươn ra thế giới.
“Thông tin từ Hiệp hội Cà phê cho thấy năm 2016, xuất khẩu cà phê nhân nước ta đứng thứ hai thế giới với sản lượng 1,78 triệu tấn nhưng giá trị xuất khẩu của cà phê nước ta còn thấp, chủ yếu là do xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thế nên khi bán 1 kg cà phê nhân thu về khoảng 2 USD, tương đương giá trung bình một ly cà phê ở các nước nhập khẩu. Trong khi mỗi ký cà phê nhân có thể pha được 50 ly cà phê” - ông Hải phân tích.
Không chỉ vậy, cà phê Việt Nam chiếm 20% thị phần thế giới nhưng giá trị chỉ đạt khoảng 2% thị phần cà phê thế giới. “Điều này làm những người làm kinh doanh như chúng tôi có nhiều suy nghĩ, trăn trở. Hơn nữa, với hệ thống phân phối chuyên nghiệp, NutiFood sẽ khuếch trương thương hiệu cà phê gắn với chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột ra thị trường trong nước và quốc tế” - ông Hải tự tin.
Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch cho rằng Việt Nam đứng thứ hai thế giới xuất khẩu cà phê nhân, nhất là cà phê robusta nhưng vẫn là xuất khẩu thô. Giá trị gia tăng thấp và người trồng cà phê luôn chịu rủi ro về giá cả và tỉ giá Việt Nam đồng trên thị trường thế giới.
“Riêng Đắk Lắk được thế giới biết đến như một thủ phủ cà phê với diện tích hơn 200.000 ha. Song tiềm năng nông nghiệp của tỉnh này không chỉ có cà phê mà chăn nuôi bò sữa cũng là thế mạnh. Bởi trong định hướng tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh yêu cầu phải tái canh một tỉ lệ rất lớn các vườn cà phê năng suất thấp, chất lượng kém” - ông Lịch nói.
Chế biến cà phê tại Công ty Phước An, nơi đang quản lý 1.400 ha cà phê. Ảnh: TU
Bốn nhà phải bắt tay nhau
Theo TS Trần Du Lịch, để khắc phục những khiếm khuyết của ngành cà phê thì cần phải thay đổi phương thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, “bốn nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Trong đó vai trò nòng cốt là doanh nghiệp. Đây chính là con đường để giải quyết những tồn tại, vướng mắc hiện nay về vốn, công nghệ, nhân lực, thị trường và chế biến nông sản.
“Đặc biệt là phải gắn phát triển nông nghiệp với ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Đây là mô hình nông-công nghiệp đúng đắn trong bài toán phát triển nông nghiệp” - ông Lịch nhấn mạnh.
Ông Lịch cho rằng sự hợp tác giữa NutiFood với Đắk Lắk nhằm thực hiện mô hình chuỗi giá trị đối với cây cà phê và nuôi bò sữa. Từ đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh.
“Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều bất ổn, xu hướng bảo hộ nội địa diễn ra ở nhiều thị trường lớn, nhất là hàng nông sản thực phẩm; doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong cạnh tranh và hội nhập, kể cả ở thị trường nội địa. Hợp tác để cùng phát triển đang là yêu cầu tất yếu của doanh nghiệp Việt Nam” - ông Lịch nhấn mạnh.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cũng cho biết Chính phủ cũng như UBND tỉnh đã có chủ trương, chính sách xây dựng ngành cà phê phát triển bền vững, gia tăng giá trị trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy khi Công ty NutiFood, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất sữa, muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đã đồng ý ngay.
“Đắk Lắk sẽ tạo mọi điều kiện để công ty tiến hành khảo sát và đầu tư có hiệu quả” - ông Hà cam kết.
Sản xuất cà phê hữu cơ NutiFood cho hay muốn đầu tư mạnh tại tỉnh Đắk Lắk với khát vọng có thể cho ra đời nguồn nguyên liệu cà phê sạch, hữu cơ. Từ nguồn nguyên liệu sạch đó, với thế mạnh về R&D, công nghệ chế biến thực phẩm và năng lực của các nhà máy, công ty sẽ đẩy mạnh công nghiệp chế biến, có thể xuất khẩu nguồn cà phê thành phẩm chất lượng cho giá trị cao chứ không phải ở dạng thô cho giá trị thấp như hiện nay. NutiFood kỳ vọng trở thành “con sếu” đầu đàn, thu hút các nhà đầu tư khác tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, từng bước nâng cao thương hiệu nông sản của vùng đất Tây Nguyên giàu tiềm năng. NutiFood mua lại 25% cổ phần Phước An NutiFood vừa mua 25% cổ phần của Công ty Cà phê Phước An (Đắk Lắk), đang quản lý 1.400 ha cà phê đạt chứng nhận UTZ Certified, để trở thành nhà đầu tư chiến lược duy nhất của một doanh nghiệp nhà nước đầu tiên tại Đắk Lắk thực hiện thí điểm cổ phần hóa. Trong tương lai, thông qua những phiên đấu giá sẽ cố gắng tiếp tục mua để đạt 51% cổ phần của công ty. Mục tiêu nhằm khai thác thế mạnh của mỗi bên theo tinh thần win-win để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển sản phẩm chế biến, mở rộng thị trường. |