TP.HCM là siêu đô thị với dân số hơn 10 triệu và cũng là nơi thu hút nhiều người dân khắp cả nước đến làm ăn, sinh sống nên nhu cầu đi lại rất lớn. “Xe dù, bến cóc” lâu nay không phải là vấn đề mới tại TP.HCM mà đã có từ rất lâu. Chính quyền TP cũng đã liên tục chỉ đạo xử lý nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được xử lý rốt ráo.
Theo thống kê của Sở GTVT vào tháng 11-2022, toàn TP có 76 vị trí có hoạt động đón trả khách không đúng quy định. Đầu năm 2023, con số này có giảm nhưng không đáng kể khi vẫn còn tới 60 vị trí. Tập trung nhiều nhất vẫn là ở các khu vực như quận 5, TP Thủ Đức, quận 7, quận 8…
Lực lượng chức năng TP.HCM cũng thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh nhưng các “bến cóc” vẫn hoạt động.
Cuối tháng 7-2023, Bộ GTVT có văn bản thúc các địa phương, trong đó có TP.HCM siết nạn “xe dù, bến cóc”. Sau đó, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức và các đơn vị có liên quan về việc tăng cường đảm bảo trật tự hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa bằng ô tô trên địa bàn TP. Trong đó có việc xử lý nghiêm tình trạng đón trả khách tại các cây xăng.
Có thể thấy công tác xử lý nạn “xe dù, bến cóc” cũng đã được chính quyền TP nhiều lần chỉ đạo xử lý, lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra, rà soát thường xuyên. Vậy tại sao vẫn không thể dẹp nổi các “bến cóc” để vấn đề này vẫn là chuyện dài nhiều tập?
Trong khi đó, các “bến cóc” chủ yếu được hình thành ngay mặt tiền các tuyến đường lớn, quy mô cả ngàn mét vuông, hằng ngày xe ra vào, đón trả khách nhộn nhịp chẳng khác nào bến xe. Điều lạ là bao nhiêu đoàn kiểm tra đến kiểm tra đã không ít lần phát hiện có nhiều sai phạm nhưng sau đó các “bến cóc” vẫn ngang nhiên tồn tại và hoạt động như không có chuyện gì xảy ra.
Câu hỏi đặt ra là có lỗ hổng trong quy định của pháp luật hay lực lượng chức năng chỉ “giơ cao đánh khẽ”, thiếu quyết liệt trong việc xử lý dứt điểm các điểm dừng, đỗ trái phép này?
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, một trong những lý do được lực lượng chức năng đưa ra là chủ hãng xe xuất trình được giấy phép kinh doanh nên không thể xử lý. Tuy nhiên, nếu xem kỹ thì “giấy phép” này thực ra chỉ là giấy thỏa thuận địa điểm kinh doanh do Sở KH&ĐT cấp. Nội dung của giấy này chỉ nêu tên người được cấp giấy thỏa thuận địa điểm kinh doanh và địa chỉ khu đất mà không ghi rõ kinh doanh với mục đích gì.
Trong khi đó, một bến xe đúng nghĩa sẽ phải được xây dựng trên đất quy hoạch là đất bến bãi, có giấy phép xây dựng, giấy phép hoạt động, có phương án đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…
Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác mà lực lượng chức năng có thể xem xét để xử lý các “bến cóc” như vi phạm về trật tự xây dựng, vi phạm giao thông, an ninh trật tự…
Nếu chính quyền địa phương và lực lượng chức năng quyết liệt hơn thì có lẽ kết quả “dẹp loạn” các “bến cóc” đã khác!