“Bản Di chúc của Người từng câu, từng chữ thật giản dị và thiêng liêng, đã đi vào lịch sử như kiệt tác bất hủ, một bảo vật quốc gia” - Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nói tại hội thảo cấp quốc gia “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” ngày 28-8.
Đảng không đoàn kết sẽ không lãnh đạo được ai
Tại hội thảo, 60 bản báo cáo, tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý và các nhà khoa học đã đánh giá những nội dung và giá trị sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo đó, bản Di chúc đã tổng kết những bài học quý báu về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cụ thể, Di chúc của Bác đã đề cập đến những nội dung trọng yếu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, phải giữ gìn Đảng trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
“Trong Di chúc điều đầu tiên Bác nói đến sự đoàn kết trong Đảng, nếu Đảng lãnh đạo không đoàn kết thì không lãnh đạo được ai. Do đó, muốn đoàn kết trong Đảng thì mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân. Điều Bác nói khi chúng ta đổi mới còn nguyên giá trị” - ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bày tỏ.
Theo ông, trên 80% những bài viết của Người từ những ngày đấu tranh yêu nước đến lúc Bác ra đi nhấn mạnh đến vấn đề đoàn kết nhằm tạo sức mạnh dân tộc.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khẳng định giá trị lịch sử quý báu, tinh hoa tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, phong cách và tâm hồn cao đẹp của Người thể hiện qua Di chúc. “Người đã chỉ rõ việc cần phải làm trước hết là chỉnh đốn Đảng, làm cho mỗi đảng viên, đoàn viên, chi bộ ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, có được sự đoàn kết trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi, phê bình và tự phê bình” - ông nói.
Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 50 năm qua, Đảng ta đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, then chốt. Nâng cao ý thức kỷ luật, xây dựng phong cách lãnh đạo, tác phong, thái độ làm việc tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân, nói đi đôi với làm. Để từ đó có được niềm tin của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang giá trị trường tồn. Ảnh: VT
Sức sống mãnh liệt và giá trị trường tồn
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đánh giá nhấn mạnh: Bản Di chúc là sản phẩm của một trí tuệ lỗi lạc, một trái tim nhiệt huyết, giàu lòng yêu thương, kết tinh tình cảm cao đẹp của một nhà yêu nước và đồng thời là người chiến sĩ cộng sản kiệt xuất Hồ Chí Minh. Đó là văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian, mang tinh thần cách mạng cao cả và nhân văn sâu sắc, chứa đựng các giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, mang niềm tin sắt son không gì lay chuyển được vào tương lai thắng lợi tất yếu của cách mạng.
Tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: 50 năm đã qua nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang sức sống mãnh liệt, mang giá trị trường tồn, vẫn là ánh sáng soi đường cho sự nghiệp cách mạng nước ta, là nguồn động viên, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam tiếp tục phấn đấu tiến lên giành những thắng lợi mới.
Đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Di chúc của Người tiếp tục là cơ sở lý luận, thực tiễn và là chỉ dẫn quý báu để cán bộ, đảng viên và toàn Đảng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) để Đảng ta trong sạch, vững mạnh, trở thành “Đảng đạo đức, Đảng văn minh”, xứng tầm là Đảng lãnh đạo thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên lề hội thảo, trả lời câu hỏi của báo chí, PGS-TS Bùi Đình Phong, giảng viên cao cấp (Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh), cho rằng theo Di chúc của Bác nói riêng và di sản Hồ Chí Minh nói chung, có một điều cực kỳ quan trọng, trước đây quan trọng, bây giờ quan trọng và mai sau vẫn còn quan trọng, đó là lòng dân.
“Có được niềm tin của nhân dân thì Đảng ta còn, chế độ ta còn. Ngược lại, mất niềm tin là mất tất cả… Bác nói rồi, động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân để thực hiện nhiệm vụ cách mạng...” - PGS-TS Bùi Đình Phong nói.