Di dời cảng Sài Gòn: Coi chừng lại cảng chờ đường

Song, điều đáng lo ngại là các cảng đang xây dựng ở phía ngoài thành phố thay thế cảng trong nội đô cũng đang bị vướng việc kết nối tương thích với hệ thống đường bộ. Vì vậy, coi chừng cảnh cảng chờ đường sẽ lặp lại...

Khẩn trương di dời cảng khỏi nội đô

Tình hình ách tắc hàng hoá tại cảng Sài Gòn ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, trong lúc cả nước đang cố gắng sát cánh chống suy giảm kinh tế. Đây có thể coi là một điểm nóng, khiến ngay cả Chính phủ cũng “nóng ruột”.

Chiều 16.5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đi thị sát các tuyến luồng và hệ thống địa điểm quy hoạch các cảng trên sông Sài Gòn, Thị Vải để kiểm tra tình hình chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án di dời hệ thống cảng nội đô TPHCM.

Theo quy hoạch di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son - được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2005, sẽ có 5 đơn vị phải di dời trước năm 2010, đó là cảng Sài Gòn, Tân Cảng, cảng Rau Quả, cảng Tân Thuận Đông và Nhà máy đóng tàu Ba Son. Sau đó là các cảng còn lại như Bến Nghé, Bông Sen...

Cụ thể hiện nay Tân Cảng đã hoàn thành di dời ra cảng Cát Lái. Cảng Sài Gòn sẽ di dời ra Hiệp Phước. Nhà máy đóng tàu Ba Son di dời ra Cái Mép - Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Cảng Tân Thuận Đông cũng di dời ra Hiệp Phước. Riêng cảng Rau Quả sẽ tiến hành chuyển đổi công năng tại chỗ.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, việc xây dựng, triển khai quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030 - đặc biệt là quy hoạch chi tiết các nhóm cảng 5, 6, 7, 8 và quy hoạch di dời hệ thống cảng và nhà máy trên sông Sài Gòn đang được khẩn trương tiến hành. Hiện nay, khu cảng Hiệp Phước đang trong giai đoạn xây dựng, dự kiến tháng 6.2009 sẽ đưa 250m bến container đầu tiên vào hoạt động.

Cảng quốc tế SP – PSA có khả năng đón tàu đến 80.000DWT đang được xây dựng. Dự kiến đến năm 2010, hai bến cảng dài 600m sẽ hoàn thành. Và đến năm 2012 hoàn thành 2 bến còn lại, đạt công suất giao nhận 6 triệu tấn hàng hóa/năm.

Vướng nhất vẫn là hạ tầng kết nối

Tuy nhiên, một thực tế tồn tại là các hệ thống cảng mới xây dựng đều đứng trước nguy cơ chậm kết nối, hoặc chưa kết nối được với hệ thống giao thông mạng tương thích trong nội địa. Trong khi hậu quả nhãn tiền về hệ thống cảng không có khu hậu cần đồng bộ và kết nối giao thông tương thích, đang khiến các nhà quản lý đau đầu.

Đặc biệt, khi tốc độ phát triển kinh tế của VN đang rất nhanh mà công tác dự báo quy hoạch lại rất thiếu tầm nhìn xa, nên hệ thống cảng biển trở nên nhanh chóng quá tải. Vì thế đây là một vấn đề cần được giải quyết dứt điểm và nhanh chóng, song song với việc xây dựng hệ thống cảng mới để di dời cảng khỏi nội đô.

Cụ thể, tại các điểm xây dựng cảng Cái Mép Hạ, cảng Gemadept – Terminal Link, cảng container quốc tế Sài Gòn,... đều vấp phải khó khăn từ hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối - đặc biệt là đường bộ chưa có hoặc không kịp hoàn thành trước khi cảng được đưa vào hoạt động; nhất là tại khu vực Lòng Tàu - đang gặp vướng mắc khi quy hoạch tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành chồng lấn lên khu đất cảng.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: Mục tiêu cao nhất là đảm bảo tiến độ và các yêu cầu di dời hệ thống cảng và nhà máy trên sông Sài Gòn, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng hàng hóa vận chuyển trong khu vực, áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao sức cạnh tranh trong các dịch vụ hàng hải của Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Ngành giao thông, hàng hải và các đơn vị trực tiếp triển khai quy hoạch di dời cảng cần đặc biệt quan tâm đến tính đồng bộ trong xây dựng, kết hợp di dời cảng khỏi nội đô. Từ khâu quy hoạch, chuẩn bị dự án, chuẩn bị vốn, giải phóng mặt bằng đã cần tính đến khu hậu cần cảng biển và việc kết nối hệ thống giao thông đồng bộ.

Theo Bích Liên ( LĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm