Đi bằng xe hai bánh, tôi có thể khám phá những ngóc ngách mà du lịch bình thường khó có điều kiện để đi và trải nghiệm được như vậy.
Cảnh sát mặt ngầu và hải quan “hot boy”
Từ Johor Baru của Malaysia, tôi qua cầu theo lối Woodland Crossing vào đất Singapore, có khá nhiều xe hai bánh từ Malaysia cũng đã theo trục này. Khác với Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar thường đặt trạm kiểm soát ngay sát biên giới, cửa khẩu ở Singapore nằm sâu sau đường biên tới hàng kilomet để có chỗ cho các phương tiện dừng xe chờ làm thủ tục. Một tốp cảnh sát đứng ở khúc cua quan sát xe từ từ chạy vào, một viên cảnh sát đeo găng tay trắng đứng thủ thế như sẵn sàng khám xét, đầu trọc không đội mũ, râu quai nón cạo sát, mặt rất dữ dằn trừng trừng mắt nhìn thẳng vào tôi và hai ba lô lớn tôi buộc sau xe. Tôi thản nhiên nhìn lại, vì biết đấy là nghiệp vụ của họ để “chiếu tướng” tìm kẻ gian có cử chỉ bất thường chứ không phải là sự thiếu thân thiện. Chỉ cần tôi tỏ ra lúng túng, sợ hãi hay quay mặt lảng tránh cái nhìn đó là tôi sẽ bị ách lại để kiểm tra hành lý ngay tức khắc.
Khu vực hai bánh có đến vài chục chốt làm thủ tục do lượng xe cộ lưu thông qua biên giới hai nước rất lớn. Chốt có nhân viên hải quan và chốt tự động, người nhập cảnh chỉ cần ngồi yên trên xe, không phải đi xuống xe, rất tiện lợi và nhanh chóng. Tôi chọn chốt có nhân viên hải quan để hỏi họ thủ tục đưa xe vào, ở Thái tôi chỉ làm tờ khai tạm nhập tái xuất cho xe, còn ở Malaysia tôi phải làm thủ tục xin phép ICP (International Circulation Permit) mất rất nhiều thời gian. Ngồi trong chốt là một nhân viên hải quan trẻ măng, chắc mới ra trường, trắng trẻo và đẹp trai như diễn viên điện ảnh đón tôi bằng một nụ cười. Tôi nghe nói ở Singapore ngành hải quan và cảnh sát ưu tiên tuyển những người có ngoại hình vì ngành nghề của họ thường phải tiếp xúc với dân chúng và du khách, họ giống như đại diện cho đất nước nên những nụ cười trên các gương mặt đẹp luôn tạo ra sự quyến rũ và thân thiện, không làm cho người ta có cảm giác e dè khi tiếp xúc với nhân viên công quyền.
Xem hộ chiếu của tôi, cậu ta nhìn tôi ngạc nhiên: Anh đi mô tô từ Việt Nam đến đây? Anh đi hết bao xa và bao nhiêu ngày? Tôi trả lời đã đi khoảng 6.000 km và ba tuần, vì tôi còn lang thang chơi dọc đường nhiều chỗ, thế là cậu ta đầy phấn khích hỏi tiếp vì sao tôi quyết định làm chuyến đi xa như vậy, đã ghé những chỗ nào dọc đường, có gì thú vị, loại xe của tôi là gì, chạy trên đường trường thế nào… Nói chung cuộc trao đổi hơn 10 phút rất thoải mái, có vẻ cậu ta còn muốn tám chuyện tiếp nhưng chắc sợ mất thời gian của tôi nên vui vẻ đóng dấu để tôi đi qua, không quên chúc tôi có những ngày du lịch đáng nhớ ở đây.
Tác giả tại bãi biển Palawan, Singapore.
Chuyện nhỏ khi đổ xăng
Hành trình đầu tiên ở Singapore là chạy một lèo từ bên đông, chỗ sân bay Changi qua phía tây đảo Jurong, vì đây là nơi ít du khách đến nhất. Đây là khu vực cảng với cơ man những cần cẩu và kho hàng khổng lồ đã góp phần biến đảo quốc nhỏ bé này thành hải cảng lớn thứ hai trên thế giới. Chạy cả trăm kilomet dọc theo các trục đường huyết mạch tôi không thấy một cây xăng nào dọc đường, đến khi hỏi thăm mới biết tất cả cây xăng đều phải đặt ở đường nhỏ bên trong. Nếu xem đường chính là 1, đường rẽ vào là đường 2 và các đường rẽ đầu tiên tiếp theo là 3 thì các cây xăng thường đặt ở giao lộ của đường 2 và 3. Tôi không rõ họ quy hoạch như vậy vì an toàn hay mỹ quan nhưng rất khoa học, tài xế có thể truy cập Internet xem địa điểm cây xăng và kể cả không truy cập thì họ cứ theo quy tắc như vậy là tìm thấy cây xăng mà chẳng cần bất cứ một biển báo hướng dẫn nào dọc đường.
Đổ xăng ở Singapore không giống với các nước ASEAN khác. Nếu như ở Campuchia, Lào hay Myanmar đều giống Việt Nam ở chỗ nhân viên đổ xăng sẽ thu tiền và trả lại tiền thừa luôn thì ở Thái nhân viên chỉ nhận tiền và mang vào quầy thu ngân nộp rồi lấy tiền thừa ra trả cho khách. Trong khi đó ở Malaysia và Singapore cây xăng không có một bóng nhân viên, tài xế tự xuống đổ xăng nhưng khác nhau ở chỗ Malaysia tài xế sẽ đậu xe ở trụ xăng rồi vào trong siêu thị đến quầy tính tiền đưa tiền cho thu ngân, sau đó ra xe muốn đổ loại xăng hay loại dầu nào đó thì tùy đến khi hết tiền máy sẽ tự ngắt. Còn ở Singapore chỉ việc đến cây xăng đổ thoải mái, xong mới vào siêu thị trả tiền. Họ áp dụng mô hình của những nước phát triển và nhờ vậy tiết kiệm khá nhiều chi phí phải trả cho nhân sự ở cây xăng mà tài xế cũng cảm thấy thoải mái. Xăng ở Singapore đắt nhất ASEAN, giá gấp rưỡi Việt Nam và gần gấp ba lần Malaysia nhưng nếu ở Việt Nam mà được chạy trên những con đường đẹp, rộng rãi và sạch sẽ như vậy tôi nghĩ cũng đáng để chấp nhận.
Trải nghiệm đường Singapore
Singapore ít xe máy, không tính các cậu thanh niên chạy phân khối lớn theo phong cách thể thao, người ta chỉ sử dụng xe máy đi gần gần hoặc đi chợ, hay những người làm công việc giao hàng, còn chủ yếu họ sử dụng giao thông công cộng. Ít xe máy thế nên trong thành phố họ chạy ô tô rất nhanh, 70-80 km/giờ là chuyện thường ngay ở những khu trung tâm đông người. Có lúc cần sang đường tôi liếc kính hậu thấy xe sau còn ở tít đằng xa nên mở đèn xi nhan rẽ qua theo thói quen, đến lúc vừa ra giữa đường xe họ đã ập tới sát ngay sau đuôi xe, hú hồn! Luật giao thông của Singapore đơn giản, biển báo ít, chạy rất dễ chẳng khó khăn gì. Họ chạy xe rất nhanh nhưng ít tai nạn vì tất cả đều tuân thủ luật giao thông tuyệt đối, giữ khoảng cách an toàn. Năm ngày khám phá đủ mọi con đường, ngóc ngách lớn nhỏ, tôi không hề thấy một CSGT nào cả vì họ không “đứng đường” như ở ta mà toàn ngồi ở văn phòng máy lạnh theo dõi các giao lộ qua camera. Mãi đến ngày cuối cùng, tôi mới thấy họ khi chạy qua một trụ sở cảnh sát vào giờ tan ca trực, toàn CSGT trẻ, đẹp trai và đi mô tô 1.200 phân khối màu trắng thật ngầu.
Đảo Sentosa cây cối rậm rạp như rừng, tạo không khí mát lạnh, đường đi rất đẹp nhưng không thấy một bóng người nào, có lẽ vì ngày thường ít khách chăng? Chạy qua mấy giao lộ không thấy tên đường hay bảng chỉ dẫn gì cả, tôi cứ ước chừng hướng rồi chạy tiếp, cuối cùng tôi đến bờ biển với những ngôi nhà cao tầng và một bến du thuyền hình tròn tuyệt đẹp. Đây là một khu quy hoạch chỗ ở hay khách sạn cho du khách thì phải. Họ vừa xây dựng xong nên hầu như vắng người. Để tìm cách chụp bến thuyền này, tôi chạy xe lại ba tòa nhà chục tầng đang xây dựng bên bờ biển xin công nhân xây dựng cho lên trên cao chụp ảnh. Dù sau đó họ đồng ý cho lên nhưng tôi lại… đi ra vì tòa nhà đang xây dở, lên cao rất nguy hiểm. Quanh đấy có những khu riêng biệt rất nhiều biệt thự, có lẽ được quy hoạch dành cho các đại gia, vì các biệt thự đều có kênh đào sau lưng và bến thuyền để canô đón ngay sau nhà ra chỗ du thuyền, cực kỳ sang trọng.
Sau khi dành cả buổi sáng trải nghiệm các bãi biển tuyệt đẹp, buổi chiều tôi vào khu vui chơi giải trí nổi tiếng trên đảo, khi hỏi chỗ để xe lúc này hai cô lễ tân mới sửng sốt nói là đảo không cho xe máy vào đây, làm sao anh chạy vào được? Có lẽ lúc tôi chạy qua cầu bảo vệ không có ở đó chăng? Hèn chi các giao lộ không có bảng chỉ dẫn vì nó có dành cho khách tự đi đâu mà cần phải chỉ đường. Nửa ngày lang thang qua bao nhiêu chỗ đẹp đẽ như vậy không ai nói cho biết.
Nhờ con chiến mã, tôi len lỏi vào rất nhiều những con đường nhỏ để có thể ngắm nhìn diện mạo của Singapore không phải chỉ qua con mắt một du khách ở những nơi trung tâm phố xá tấp nập, những tòa nhà cao tầng, những khu vui chơi lộng lẫy… mà ở vẻ đẹp giản dị mỗi góc phố nhỏ tràn ngập cây xanh, ở những công viên lặng lẽ rất ít du khách, tôi cảm nhận được nhiều từ sự thong thả và hạnh phúc của người dân đảo quốc ở quanh ngôi nhà hiền hòa, bình yên. Cảm giác thú vị đó khiến tôi tự nhủ sau này nếu quay lại đây du lịch trên xe buýt hay taxi, tôi có tìm được những nơi như thế này không? Chắc là không!