'Di tích chưa có trong danh sách, không bảo tồn gây bức xúc'

Sáng 11-7, các đại biểu HĐND TP.HCM tiếp tục thảo luận tại hội trường. Về vấn đề bảo tồn di tích, nhiều đại biểu đề nghị rà soát tổng thể quá trình lập bản đồ bảo vệ di tích tại TP.HCM.

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng nếu nhiều tài sản di tích bị xâm hại thì chúng ta đang tự làm mình nghèo đi về văn hóa. Ảnh: MINH THANH

ĐB Đinh Thị Thanh Thủy cho rằng để chuẩn bị tốt cho kỳ giám sát về bảo tồn di sản cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP thì Sở Văn hóa Thể thao TP cần có chuẩn bị. Trước hết phải rà soát tổng thể quá trình lập bản đồ bảo vệ di tích năm 1999 đến lập danh mục kiểm kê di tích giai đoạn 2016-2020.
“Việc này sẽ tránh gây những bức xúc như sự việc Dinh Thượng thư vừa rồi. Nếu có bước chuẩn bị tốt thì HĐND TP sẽ nắm được thực trạng, giải pháp cụ thể để phát huy giá trị di tích của TP. Điều này giúp cho lãnh đạo TP không lúng túng khi triển khai công trình dự án di tích có giá trị trong 100 năm” - ĐB Thủy nhấn mạnh.
ĐB Thủy, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm nhìn nhận công tác bảo vệ văn hóa thực chất là quản lý chính sách và thực thi chính sách đô thị. Nếu thực thi chính sách mà phá bỏ di sản hiện hữu của TP thì đó là việc đánh đổi văn hóa lịch sử và ký ức cộng đồng để lấy một sự hiện đại thiếu bản sắc và thiếu nhân văn.
“Nếu đập bỏ mà chỉ dựa trên việc đó là di tích lịch sử hay không thì hầu như di tích sẽ bị đập bỏ và thay thế hết. Tôi nghĩ di sản văn hóa lịch sử là tài sản vô giá của quốc gia. Nếu nhiều tài sản bị xâm hại thì chúng ta đang tự làm mình nghèo đi về văn hóa. Trách nhiệm đối với di sản văn hóa là trách nhiệm toàn xã hội” - ĐB Trâm nhấn mạnh.
Về vai trò quản lý nhà nước, ĐB Trâm cũng cho rằng cần ban hành chính sách quản lý đô thị, lập danh mục di tích cần quản lý, quan tâm vai trò tư vấn của các nhà khoa học, chú trọng vai trò giáo dục tuyên truyền…
Chia sẻ với những băn khoăn của các đại biểu, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định đây là vấn đề mà lãnh đạo TP và dư luận quan tâm. Bà đề nghị Sở Văn hóa-Thể thao chuẩn bị để có ý kiến với các ĐB về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm

“Chúng tôi muốn giám sát để việc lập danh sách bảo tồn, HĐND TP sẽ phân bổ kinh phí trùng tu, duy tu để giữ gìn. Chứ để dư luận nói di tích chưa có trong danh sách nên không bảo tồn... sẽ gây bức xúc” - bà Tâm nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP, cho biết trên cơ sở khảo sát di tích đủ điều kiện lập danh mục, năm 2017, UBND TP đã có quyết định ban hành 100 danh mục các địa điểm để khảo sát lập hồ sơ, tùy theo mức độ di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Theo đó, TP.HCM có 172 di tích được công nhận (cấp TP, cấp quốc gia và hai di tích đặc biệt). Từ năm 2012 đến nay, ngành văn hóa thể thao đã phối hợp với các quận/huyện và ban quản lý các di tích để rà soát và có kinh phí trùng tu di tích.  

Ông Nhân cũng thông tin TP.HCM đã đầu tư 300 tỉ đồng để sửa chữa di tích xuống cấp. Trong đó có vận động 33 tỉ để duy tu các cơ sở di tích của cá nhân, tư nhân quản lý.

“Hiện nay Sở đang cùng các quận/huyện rà soát những cơ sở đang xuống cấp và có nhu cầu sửa. Cụ thể có 43 di tích cần sửa chữa với tổng kinh phí hơn 1.000 tỉ. Sở đang trao đổi lại với các địa phương để tính toán, đầu tư sửa chữa từ ngân sách và cả vận động các cơ sở. Sở sẽ tổng hợp báo UBND TP. ..” - ông Nhân nói.

Chạnh lòng khi thấy 80% HS dưới điểm trung bình môn Sử

“Tôi cảm thấy chạnh lòng khi kết quả thi THPT vừa qua có trên 80% học sinh chỉ đạt điểm dưới trung bình môn Lịch sử. Phải chăng quá trình đào tạo, truyền cảm hứng học sinh còn chưa đạt, học sinh không còn mê môn Sử, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc.

Nếu không có bước chuẩn bị thì xã hội sẽ lại có cái nhìn thấp với ngành khoa học, xã hội và nhân văn” - ĐB Phan Thị Hồng Xuân, ĐH Khoa học-Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM, nói.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm