Liên quan đến vụ án nhiều giám đốc công ty thủy sản lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 tỉ đồng của ngân hàng, ngày 11-6, nguồn tin của PLO cho biết VKSND tỉnh An Giang đã hoàn tất cáo trạng truy tố và chuyển hồ sơ sang TAND cùng cấp để lên lịch xét xử 19 bị can.
Các bị can gồm: Lưu Bách Thảo, Ngô Văn Thu (tổng giám đốc Công ty Việt An); Nguyễn Thanh Hùng (giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bình Minh); Trương Minh Giàu (giám đốc Công ty Minh Giàu); Nguyễn Viết Tuyên (nguyên giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng An Giang), Lưu Bá Phúc (giám đốc Công ty TNHH Bách Phúc) và bị cáo khác là kế toán các công ty cùng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các bị can này bị cáo buộc đã lập khống hồ sơ vay để lừa đảo chiếm đoạt hơn 600 tỉ đồng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) An Giang.
Trong số 19 bị can thì có 2 bị can là Lưu Bách Thảo và Nguyễn Dương Phượng Trang (nguyên kế toán Công ty TNHH Minh Giàu) hiện đang trốn ở nước ngoài.
Theo cáo trạng, Công ty TNHH Agibasa An Giang được thành lập từ tháng 3-2004, đến tháng 2-2007 được đổi tên thành Công ty cổ phần Việt An lần lượt do Lưu Bách Thảo và Ngô Văn Thu làm Tổng Giám đốc với ngành nghề kinh doanh: Sản xuất, chế biến cá tra đông lạnh, mua bán, khai thác, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, từ năm 2005-2011, Thảo cũng thành lập "nhóm Công ty gia đình" như trên.
Từ năm 2010-2014, Công ty Việt An, Công ty Bình Minh, Công ty Minh Giàu đã ký kết nhiều hợp đồng tín dụng vay vốn theo hạn mức tại Vietcombank An Giang. Để được phát vay theo điều kiện của hợp đồng tín dụng, Thảo chỉ đạo các phó tổng giám đốc, giám đốc, kế toán, nhân viên Công ty Việt An, Công ty Minh Giàu, Công ty Bình Minh, Công ty Việt Hưng, Công ty Bách Phúc lập nhiều hồ sơ chứng từ khống (lập hợp đồng mua bán, xuất hóa đơn, chứng từ giả mạo, ghi doanh số mua bán cá tra không có thực,...) để rút vốn vay tại ngân hàng.
Các chứng từ thể hiện tại 100 bộ hồ sơ rút vốn vay còn dư nợ đều là chứng từ giả mạo, hóa đơn ghi doanh số mua bán nguyên liệu cá tra, mua thức ăn thuỷ sản... không có thật. Tính đến ngày 21-12-2020 thì Vietcombank An Giang còn thiệt hại số tiền vốn vay là hơn 600 tỉ đồng (trong đó Công ty Việt An là gần 448 tỉ đồng).
Cáo trạng xác định trong vụ án, bị can Thảo là giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động của các công ty và chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ, chứng từ khống. Trong đó, Thảo ký 03 hợp đồng sửa đổi bổ sung, ký 06 hồ sơ rút vốn liên quan đến phụ lục 08 còn dư nợ gốc của Hợp đồng 245 còn dư nợ tại Vietcombank An Giang là hơn 49 tỉ đồng.
Quá trình điều tra, các bị can khai nhận, do Công ty Việt An hoạt động không hiệu quả, không còn nguồn kinh phí và không còn hạn mức để tiếp tục vay vốn nên Thảo chỉ đạo cho các bị can Thu, Hùng, Giàu, Tuyên, Phúc chỉ đạo bộ phận kế toán và nhân viên trong công ty lập nhiều bộ hồ sơ khống để rút tiền của ngân hàng.
Ngoài ra, còn có 27 cá nhân khác thừa nhận có tham gia lập các chứng từ và rút tiền liên quan đến các bộ hồ sơ vay vốn khống của các công ty trên, nhưng kết quả điều tra chưa đủ cơ sở chứng minh giúp sức trong việc lập khống chứng từ chiếm đoạt tiền của Vietcombank An Giang. Do đó Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ, xử lý sau.
Tiếp tục tách vụ án vi phạm quy định về cho vay
Trước đó, ngày 26-2, TAND tỉnh An Giang xét xử sơ thẩm, sau đó trả hồ sơ, yêu cầu xem xét nhập vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng để điều tra bổ sung làm rõ hành vi sai phạm của nhóm cán bộ ngân hàng xử lý theo quy định pháp luật.
Sau thời gian điều tra bổ sung, cáo trạng lần này xác định có 11 cá nhân là lãnh đạo, cán bộ thuộc Vietcombank An Giang chưa tuân thủ đầy đủ tác nghiệp so với quy định nội bộ của Vietcombank trong việc nhận và kiểm tra các căn cứ phát tiền vay tại các phụ lục của các hợp đồng tín dụng để Công ty Việt An, Bình Minh, Minh Giàu chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ xác định những người này vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Do đó Cơ quan điều tra đã tách vụ án tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.