Ngày 1-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCMsau chuyến đi Lào để thỏa thuận giải quyết công nợ, ông Quách Phi Long - Phó Giám đốc Công ty Bảo Ngọc Bình Phước (gọi tắt là Công ty Bảo Ngọc) cho biết ông bị cấm xuất cảnh từ tháng 6-2014. “Ngay khi được phép xuất cảnh trở lại, tôi lập tức qua Lào để giải quyết nợ nần với đối tác. Từ ngày 20-11-2013 cho đến nay, công ty và bản thân tôi đã chịu nhiều áp lực sau khi bị Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan (gọi là Cục Điều tra) khởi tố vì buôn lậu. Lúc đó sự việc chưa được điều tra rõ thì họ cung cấp thông tin cho báo chí, đài truyền hình đưa tin xấu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của công ty chúng tôi” - ông Long bức xúc.
Bán lúa giống giá thấp để trả nợ
Theo ông Long, số hàng hóa vẫn chưa được thông quan nên các thiệt hại của công ty chưa thể thống kê hết. “Chỉ tính tiền lưu container, kho bãi trong thời gian qua đã phải trả đến 5 tỉ đồng” - ông Long nói.
Ông Long cho biết gỗ bị tạm giữ, không thông quan bán thu tiền về được nên không có nguồn tiền trả nợ cho đối tác. “Công ty Bảo Ngọc ký hợp đồng mua gỗ của Công ty LoKo (Lào) vào cuối tháng 6-2011 để xuất bán cho doanh nghiệp (DN) ở nước thứ ba. Công ty LoKo đã khởi kiện công ty chúng tôi và TAND tỉnh Champasak (Lào) buộc Công ty Bảo Ngọc trả tiền mua gỗ theo hợp đồng mua bán. Tháng 6-2014, lãnh sự quán nước Lào đã thông báo đề nghị Công ty Bảo Ngọc phải trả hơn 770.400 USD tiền mua gỗ cho Công ty LoKo. Ngoài ra, Công ty Bảo Ngọc còn bị phạt vi phạm hợp đồng (do chậm thanh toán) với số tiền hơn 231.100 USD và hơn 20.000 USD tiền án phí” - ông Long liệt kê.
Trước đó, Công ty Bảo Ngọc đã được chính phủ Lào giao 10.000 ha đất trồng lúa để chuyển giao kỹ thuật trồng lúa nước cho người dân tỉnh Champasak. Tuy nhiên, theo ông Long, trước các khoản nợ “ngập đầu” trên, Công ty Bảo Ngọc phải bán đổ, bán tháo lúa giống để xử lý nợ. “Để trả tiền theo phán quyết của tòa, công ty phải bán 500 tấn lúa giống với giá thấp. Ngoài việc DN chúng tôi cũng mất đi tất cả cơ hội kinh doanh khác thì việc gỗ xuống cấp bị hạ giá bán cũng gây ra các thiệt hại lớn. Đó là chưa kể các chi phí phát sinh ngoài kiểm soát ước hơn 10 tỉ đồng” - ông Long rầu rĩ.
Ông Quách Phi Long rầu rĩ bên lô gỗ giáng hương, cẩm lai bị phơi mưa nắng 22 tháng nay ở Dinh Bà (Đồng Tháp). Ảnh: NGUYỄN ĐỨC
Áp lực vì tiếng “buôn lậu gỗ”
Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Công an tỉnh Bình Phước đã đình chỉ hai vụ án “buôn lậu gỗ” của Công ty Bảo Ngọc. Ông Long nói: “Riêng vụ việc xảy ra ở cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (tỉnh Bình Phước), sau khi CSĐT tỉnh Bình Phước đình chỉ điều tra (giữa tháng 9-2015) thì hải quan cửa khẩu quốc tế Hoa Lư ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền phạt 2 triệu đồng do khai sai số lượng gỗ (hành vi này không bị áp dụng biện pháp bổ sung - NV)”.
“Việc khai sai số lượng là do đơn vị vận chuyển chở nhầm về cửa khẩu khác chứ tổng lượng gỗ nhập về ở cửa khẩu Hoa Lư và Dinh Bà (Đồng Tháp) là đúng với lượng gỗ đặt mua. Vi phạm này chỉ đến mức bị xử phạt hành chính chứ không phải buôn lậu như cáo buộc của Cục Điều tra. Vậy nhưng không hiểu sao họ không phạt mà lại ra quyết định khởi tố oan khiến DN chúng tôi chịu nhiều thiệt hại?” - ông Long ấm ức.
Ông Long tâm sự từ ngày DN bị khởi tố, Công ty Bảo Ngọc và bản thân ông Long còn chịu nhiều áp lực vì những lời xì xầm “làm ăn bậy bạ, buôn gỗ lậu”. “Chúng tôi ăn ngủ không yên, ra đường thì bị mặc cảm trầm trọng nên Công ty Bảo Ngọc cầu cứu các cơ quan địa phương, trung ương. Công ty Bảo Ngọc mong các cơ quan liên quan khẩn trương trả lại hàng hóa và cho phép thông quan lô hàng trên để Công ty Bảo Ngọc nhanh chóng giải quyết những khó khăn phát sinh trong hơn 22 tháng qua. Nếu chậm trễ, quyền lợi chính đáng của công ty sẽ tiếp tục bị thiệt hại vì đối tác nước ngoài phạt vi phạm hợp đồng, do giao nhận hàng không đúng thời gian, thanh toán tiền trễ hạn hợp đồng” - ông Long đề nghị.
Giải quyết quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp Tôi sẽ đề nghị Bộ Tài chính xem xét và chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương giải quyết quyền lợi chính đáng của DN. Ngoài ra Văn phòng Chính phủ cũng sẽ xem xét các kiến nghị của Công ty Bảo Ngọc gửi Thủ tướng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ, ngành liên quan phản ánh DN bị Cục Điều tra khởi tố oan sai. Đến nay vụ án đã được cơ quan công an đình chỉ điều tra nhưng Cục Điều tra vẫn chưa giải tỏa hàng cho DN cần phải được xem xét. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ NGUYỄN VĂN NÊN nói với PV Pháp Luật TP.HCM vào ngày 31-10 Chưa trả hàng vì không nhận trách nhiệm? Khi bị kiểm tra, Công ty Bảo Ngọc đã hợp tác điều tra, cung cấp các hồ sơ tài liệu để giải tỏa nghi vấn “buôn gỗ lậu”. Công ty nhập khẩu gỗ theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan (Công văn 2842/TCHQ-GSQL ngày 27-5-2013, Công văn 2491/TCHQ-GSQL ngày 10-5-2013) của Bộ Công Thương (Công văn 158/XNK-TH ngày 15-5-2013) và quy định hiện hành song vẫn bị khởi tố. Vụ án đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Công an tỉnh Bình Phước đình chỉ vì không cấu thành tội phạm nhưng sao Cục Điều tra vẫn chưa trả hàng? Phải chăng họ lỡ làm sai nhưng không nhận trách nhiệm? Ông QUÁCH PHI LONG, Phó Giám đốc Công ty Bảo Ngọc |