Nữ công nhân Thạch Thị Bé Trúc vừa nhận được quyết định đình chỉ điều tra bị can của Công an huyện Củ Chi. Quyết định do Thượng tá Nguyễn Văn Bổn, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi, ký ngày 13-8.
Trao đổi với PV, Trúc cho biết cùng ngày 13-8, điều tra viên phụ trách vụ án đã gọi điện thoại yêu cầu Trúc đến để nhận quyết định vào 14 giờ ngày 14-8. Tuy nhiên, khi Trúc cùng các luật sư (bào chữa miễn phí cho Trúc) vượt đoạn đường hơn 50 km đến Công an huyện Củ Chi thì ĐTV thông báo đang nghỉ bệnh không đi làm, yêu cầu mọi người hôm sau (tức 15-8) quay lại nhận quyết định.
Bé Trúc cùng LS Kim Ron Tha, LS Trịnh Công Minh tại Công an huyện Củ Chi.
Trong quyết định đình chỉ, CQĐT nhận định “trong quá trình điều tra do chuyển biến tình hình mà hành vi của Bé Trúc không còn gây nguy hiểm cho xã hội nữa, phần dân sự đã giải quyết dứt điểm nên Bé Trúc có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS và điểm a khoản 2 Điều 29 BLHS, CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra bị can”.
Trúc cho biết sẽ làm đơn khiếu nại lý do đình chỉ điều tra của Công an huyện Củ Chi vì cô khẳng định rằng cô bị oan, cô không có lỗi trong vụ tai nạn giao thông chết người này.
Như Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần thông tin, khoảng 22 giờ ngày 27-3-2015, nữ công nhân Thạch Thị Bé Trúc chạy xe máy chở bạn là Nguyễn Thị Ngọc đi trên đường nông thôn số 9. Đến ngã tư, khi băng qua đường Trần Văn Chẩm, xe của Trúc va chạm với ô tô do ông Huỳnh Nhật Hoài điều khiển. Vụ tai nạn làm Ngọc tử vong tại bệnh viện do chấn thương sọ não.
Cáo trạng xác định: Hoài có phần lỗi phụ là điều khiển xe khi đến ngã tư không làm chủ tay lái; Trúc có lỗi chính điều khiển xe máy không có giấy phép lái xe, lưu thông từ đường nhánh ra đường chính không nhường quyền ưu tiên cho ô tô đang đi trên đường chính, vi phạm khoản 9 Điều 8 và khoản 3 Điều 24 Luật Giao thông đường bộ. Từ đó, cáo trạng truy tố Trúc về tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tài xế ô tô.
Tháng 3-2016, Trúc bị bắt tạm giam trong khi đang nuôi hai con nhỏ, trong đó có một bé dưới 36 tháng tuổi.
Tháng 5-2016, TAND huyện Củ Chi mở phiên tòa sơ thẩm lần đầu nhưng trả hồ sơ, yêu cầu CQĐT trưng cầu giám định tốc độ của ô tô vào thời điểm xảy ra tai nạn, lấy lời khai của người làm chứng…
Tháng 9-2016, TAND huyện Củ Chi mở phiên xử lần hai, tiếp tục trả hồ sơ vì các yêu cầu của lần trả hồ sơ trước chưa được CQĐT và VKS đáp ứng.
Đến phiên tòa sơ thẩm lần ba (tháng 11-2016), CQĐT và VKS vẫn chưa trưng cầu giám định tốc độ ô tô, chưa lấy lời khai nhân chứng theo yêu cầu của tòa nên tòa lại trả hồ sơ. Lần này tòa có thêm một yêu cầu là CQĐT phải làm rõ người lái ô tô gây tai nạn có đúng là Huỳnh Nhật Hoài hay không (vì qua các phiên tòa Trúc đều khai tài xế là Lê Thanh Tùng, không phải Hoài); tại sao CQĐT không đo nồng độ cồn tài xế ô tô...?
Đến ngày 23-1-2017, Trúc được cơ quan tố tụng cho tại ngoại.