Định danh bất động sản: Cần sự đồng bộ

(PLO)- Định danh bất động sản cần có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý và các địa phương, thống nhất hành lang pháp lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thúc đẩy triển khai Đề án 06 và phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Đáng chú ý, theo Cục C06, Bộ Công an đang tham mưu giải pháp minh bạch thị trường bất động sản (BĐS) thông qua kế hoạch định danh BĐS, trước mắt là với số nhà để xác định mỗi người dân đang sở hữu bao nhiêu BĐS.

P10_bai-dinhdanh.jpg
Ý tưởng định danh bất động sản đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ảnh minh họa: MINH LONG

Cần thiết nhưng khó thực hiện

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết việc định danh số nhà, số căn hộ giúp minh bạch được chủ tài sản đó có bao nhiêu BĐS, từ đó tạo ra mạng lưới định danh BĐS gắn với mỗi công dân.

Tuy nhiên, ngoài số nhà thì phải thu thập, cập nhật rất nhiều thông tin đi kèm với dữ liệu rất lớn. Ví dụ, căn nhà đó chủ sở hữu đang ở, đang cho thuê hay bỏ không? Hoạt động mua bán của nhà đất phải được cập nhật lên hệ thống định danh ngay khi có biến động giao dịch.

“Trường hợp có số nhà nhưng nhà lại không có sổ hồng vì mua bán giấy tay thì phải có thông tin chủ đất, giấy tờ mua bán giấy tay hay nhà sổ chung…” - luật sư Hậu nói.

Theo ông Nguyễn Duy Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý nhà toàn cầu (Global Home), xét về chủ trương, định danh BĐS là cần thiết. Việc định danh tạo được cơ sở dữ liệu như quản lý về các căn hộ, cư dân... Tuy nhiên, xét về quy định giao dịch, sở hữu BĐS tại Việt Nam hiện nay có những đặc thù riêng rất khó thực hiện. Ông Thành đưa ra dẫn chứng như quy định pháp luật Việt Nam cho phép nhiều người đứng chung một sổ hồng, một BĐS có khi 40-50 người đứng tên, khi định danh sẽ rất phức tạp.

Nhìn xa nữa là khi định danh BĐS trên số nhà thì tiếp đó là đánh thuế người sở hữu nhiều nhà. Khi đó, người có nhiều nhà họ sẽ bán giá cao hơn và người mua nhà lần đầu chịu ảnh hưởng. Ông Thành cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ càng về định danh BĐS cũng như đánh thuế người có nhiều nhà vì có thể khiến giá BĐS tăng cao, tác động tiêu cực đến chính sách nhà ở.

Cách quản lý của Bộ TN&MT giúp bảo mật thông tin về tài sản của người dân hơn vì bất động sản là loại tài sản lớn.

Cần quản lý đồng bộ

Chủ trương quản lý thị trường BĐS là hợp lý, cần thiết nhưng các chuyên gia cho rằng cần có sự thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương.

Việc định danh số nhà, số căn hộ, một số nước trên thế giới đã làm nhưng phải mất nhiều thời gian. Nếu quản lý được thì sẽ giúp minh bạch được tài sản, tạo thuận lợi trong quản lý hành chính, truy thu thuế…

Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT là hai cơ quan quản lý nhà nước chủ trì việc xây dựng dữ liệu về số nhà, nhà ở, mục tiêu là đánh số cụ thể đến từng ngôi nhà, căn hộ hay thửa đất theo quy luật thống nhất. Từ đó, Bộ Công an thu thập cơ sở dữ liệu về số nhà, cộng với thông tin từ UBND các cấp, trên nguyên tắc chuẩn hóa số liệu để định danh số nhà.

“Dữ liệu sẽ rất lớn về nhà đất, giao dịch, quyền sở hữu, chưa kể nhân lực, chi phí, công nghệ… Theo tôi, ngoài việc phối hợp đồng bộ giữa bộ, ngành, địa phương thì phải có sự thống nhất giữa các quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS và các luật khác. Nguyên tắc phải bảo mật thông tin cá nhân, tài sản cho người dân được đặt lên hàng đầu” - luật sư Hậu góp ý.

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, cho rằng chức năng quản lý quyền sở hữu BĐS là của Bộ TN&MT, bộ này cũng đang triển khai quản lý thị trường BĐS. Hiện trên mỗi sổ hồng đều có mã số, mã vạch, chỉ cần nhập số CCCD thì sẽ biết người đó đang sở hữu bao nhiêu nhà đất.

“Quản lý người dân sở hữu BĐS thực sự không khó, với cách quản lý của Bộ TN&MT sẽ giúp bảo mật thông tin về tài sản của người dân hơn vì BĐS là loại tài sản lớn” - ông Quang nói.

Còn về hướng quản lý thông qua nắm số nhà, căn hộ là rất khó vì số nhà gần như cố định nhưng chủ sở hữu thì thay đổi. Hiện hộ khẩu cũng đã bỏ, cơ quan công an đã quản lý qua CCCD gắn chip, mã số định danh cá nhân VNeID, có đầy đủ thông tin cá nhân và cả số nhà trên đó.

Chia sẻ thêm, ông Quang cho rằng: “Hiện nay chỉ cần các bộ, ngành phối hợp số hóa thì sẽ quản lý chi tiết hơn được thị trường BĐS. Các địa phương cũng đang số hóa trong quy hoạch, sắp tới hợp tác với Google Maps chi tiết hơn thông tin về từng nhà đất, căn hộ. Khi đó, người dân chỉ cần bật định vị, nhấn vào vị trí BĐS sẽ hiện lên mọi thông tin của nó”.•

Phòng ngừa nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp

Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng Giám đốc Global Home, lưu ý việc định danh BĐS cần phải đồng bộ, nghiên cứu chi tiết vì quy định trên còn liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình, luật về thừa kế tài sản, về hợp tác đầu tư… Ví dụ tài sản vợ chồng, dù chồng hay vợ đứng tên sở hữu thì đều coi là tài sản chung. Thế nhưng, nếu định danh BĐS chỉ có tên người chồng, người vợ lại định danh gắn với một mảnh đất khác. Giả sử vợ chồng ly hôn, chắc chắn sẽ nảy sinh tranh chấp liên quan đến định danh BĐS này. Nếu quản lý không chặt thì không chỉ nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp mà còn sinh ra những hệ lụy khi giao dịch, lách luật dẫn đến thất thu thuế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm